Nhiều trường học ở Hà Nội sĩ số học sinh lên đến 60 em. Đây là những thông tin sau cuộc khảo sát triển khai năm học 2018-2019 do Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP Hà Nội vừa công bố.
Theo đó, hiện Hà Nội có hơn 100 trường mầm non, tiểu học công lập có sĩ số từ 50 học sinh trở lên/lớp, thậm chí không ít trường số học sinh mỗi lớp lên đến 60. Nguyên nhân được chỉ ra là do tốc độ tăng dân số cơ học cao cùng với việc phát triển đô thị, xây dựng nhiều khu chung cư cao tầng trên địa bàn TP dẫn đến hiện tượng quá tải trong các trường công lập, khiến tỉ lệ học sinh quá tải ở mỗi lớp… Trong khi đó, xét mặt bằng chung, việc đảm bảo vệ sinh tại các nhà vệ sinh trong trường học ở một số đơn vị chưa đảm bảo yêu cầu.
Thực trạng quá tải trường lớp Thủ đô là chuyện không mới, nhưng luôn nóng vào dịp đầu năm học. Cá biệt, năm học 2018- 2019, có những trường phải cho học sinh nghỉ học luân phiên từ 1- 2 buổi trong tuần. Những ngày con nghỉ học, các gia đình chỉ có 2 giải pháp buộc phải lựa chọn: hoặc bố mẹ nghỉ làm trông con, hoặc mang con gửi ăn học bán trú ở nhà cô. Có lẽ, sau áp lực khủng khiếp về giao thông, người dân đô thị Hà Nội hôm nay còn phải chịu thêm áp lực – cũng nặng nề không kém, chính là xung quanh sự học của con. Kỳ vọng càng lớn, thì áp lực lên vai những đứa trẻ càng nhiều. Thành thử áp lực sống của người đô thị cũng ngày một quay quắt hơn…
Hôm rồi, trong chuyến công tác tới huyện Vị Xuyên- Hà Giang, chúng tôi kể câu chuyện về những lớp tiểu học ở Thủ đô có tới gần 70 em trên lớp, những thày cô giáo vùng cao cứ tròn mắt ngạc nhiên: Vậy thì bàn ghế nào cho đủ? Giáo viên có phải giảng bài bằng micro không? Chắc là chỉ ghép tạm thời thôi, hay là các em phải ngồi như thế hết cả mấy năm tiểu học? Sự ngạc nhiên ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi ở vùng cao nơi chúng tôi từng đi qua, lớp học có trên 30 học sinh cũng đã là quá đông rồi.
Những nguyên nhân quá tải trường lớp ở Thủ đô đã được chỉ ra, cũng như giải pháp trước mắt cũng đã được đề xuất. Đơn cử như đề nghị nâng mật độ xây dựng, nâng tầng để xây dựng các trường học tại các quận nội thành, nơi có ít quỹ đất để đảm bảo sĩ số học sinh/lớp. Cùng đó, ưu tiên dành quỹ đất xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, các khu di dân tái định cư nhằm giảm sĩ số học sinh/lớp theo đúng quy định, đảm bảo chỗ học cho học sinh các cấp…
Nhưng trong khi chờ đợi những giải pháp chưa biết khi nào mới được triển khai, thì những khu đô thị mới, những tòa nhà chọc trời tại Hà Nội vẫn liên tiếp mọc lên và đưa vào sử dụng. Vì lẽ đó, phụ huynh lấy làm băn khoăn và mong mỏi lắm, rằng số liệu khảo sát có dùng để làm gì không? Sau khảo sát, sau kiến nghị liệu có những chuyển biến gì không? Chí ít việc giảm tải đã có thể nhìn thấy từ năm học 2019-2020 hay chưa? Khi mà chương trình và SGK mới chuẩn đưa vào bị áp dụng, với những đòi hỏi khắt khe về sĩ số học sinh trong mỗi lớp?