Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả hơn 50% được thông qua quy trình khẩn cấp để sử dụng cho chống dịch, điều này có nghĩa là hiệu lực của vaccine không phải tuyệt đối, số phần trăm còn lại vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2.
Lý giải về vấn đề này, TS BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ TW đưa ra kết quả nghiên cứu cụ thể những ca nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Điện Biên trước đây cho biết, cũng có những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 khi đã được tiêm vaccine Covid-19. Kết quả cho thấy, khả năng lây nhiễm thứ cấp từ những người này hầu như không có, tỷ lệ lây truyền virus là rất thấp.
TS BS Phạm Quang Thái cho biết thêm, vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Theo đó, sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60% - 90% tùy theo loại vaccine.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, vaccine Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vaccine, chúng ta có thể không mắc Covid-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác. Vì vậy, vaccine vẫn được các chuyên gia đánh giá là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa Covid-19 và tiến tới tạo miễn dịch cho cộng đồng.
Đồng thời, dù đã được tiêm vaccine, người được tiêm vaccine vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế). Vaccine phòng Covid-19 chỉ là "tấm áo giáp" để ngăn chặn dịch lây lan, nếu chủ quan, lơ là, vẫn có nguy cơ để dịch bệnh bùng phát trở lại như một số nước trên thế giới.
Các phản ứng ngoại ý thông thường sau khi tiêm vaccine Covid-19
Hội chứng giống cúm: Sau khi tiêm vài tiếng có thể xuất hiện đau đầu, chóng mặt, bồn nôn, đau mỏi cơ khớp, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, gai rét... Các biểu hiện này giống như các triệu chứng cảm cúm thông thường. Người tiêm vaccine cần nghỉ ngơi, chú ý bù đủ dịch (các loại nước uống sinh tố, hoa quả, nước dừa, oresol...), đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, uống thuốc hạ sốt giảm đau (paracetamol hay ibuprofen) theo chỉ định.
Cánh tay Covid: Đa số sau khi tiêm thường chỉ đau nhẹ nơi tiêm; một số trường hợp sau tiêm khoảng vài giờ xuất hiện đau hơn, sưng, nổi ban đỏ, ngứa xung quanh vùng tiêm, có thể kéo dài vài ngày đến khoảng hơn 1 tuần sau mũi tiêm đầu tiên. Nếu người tiêm chủng bị “cánh tay Covid” sau mũi thứ nhất thì vẫn nên tiêm mũi thứ hai (trong trường hợp vaccine đó khuyến cáo tiêm mũi thứ hai) và lần tiêm thứ 2 nên tiêm tay bên đối diện.
Nổi hạch nách: Với các loại vaccine như Pfizer, Moderna hay Sputnik V đã ghi nhận có thể gây nổi hạch nách, đặc biệt là bên tiêm vaccine này. Các biểu hiện này xuất hiện vài ngày sau tiêm và kéo dài. Cần chú phân biệt với các bệnh gây hạch nách khác có thể xuất hiện cùng lúc.
Các phản ứng cần lưu ý
Theo hướng dẫn tại Quyết định 3588 của Bộ Y tế, khi thấy một trong 8 dấu hiệu sau, người được tiêm vaccine Covid-19 cần liên hệ đội cấp cứu lưu động hoặc đến thẳng bệnh viện:
- Miệng: Có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
- Da: Xuất hiện phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
- Họng: Có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
- Về thần kinh: Có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
- Về tim mạch: Có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
- Đường tiêu hóa: Dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
- Đường hô hấp: Dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
- Toàn thân: Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường; Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn; Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt…