Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương khác đã kết thúc trong tháng 6. Tuy nhiên ở những thành phố lớn, việc tranh suất vào lớp 10 trường công khó, đã khiến cho tỷ lệ “chọi” cao, cuộc thi trở thành cuộc đua “nóng” hơn bao giờ hết.
Đổi mới tuyển sinh, cần bắt đầu từ đâu?
Phụ huynh nín thở lo con trượt công lập là cảm giác chung của nhiều ông bố, bà mẹ trong suốt kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội vừa qua. Người trong phòng thi và người ngoài chờ đợi đều chung tâm trạng chung lo lắng khi chỉ tiêu được tuyển vào lớp 10 công lập Hà Nội có hạn, chỉ đáp ứng 72.000/115.000 học sinh. Tương ứng với việc trên 30.000 học sinh sẽ không có cơ hội vào học tại các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Phụ huynh chia sẻ, mặc dù không thiếu chỗ học ở các trường ngoài công lập, nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện tại, chi phí học tập sẽ là gánh nặng cho nhiều gia đình.
Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cho rằng, việc cho rằng tỷ lệ trúng tuyển lớp 10 công lập tại Hà Nội năm học 2023-2024 thấp kỷ lục là không chính xác. Trước đó, theo công bố ngày 17/5 của Sở GDĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập không chuyên của thành phố năm nay nhận đăng ký từ 104.917 thí sinh. Chỉ tiêu dành cho hệ công lập không chuyên là 69.805. Ở hệ công lập chuyên (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, hệ chuyên và song bằng tú tài của Trường THPT Chu Văn An, hệ chuyên của Trường THPT Sơn Tây), tổng số lượt thí sinh đăng ký là 11.283. Tổng chỉ tiêu là 1895. Cộng dồn tổng chỉ tiêu của cả hai hệ chuyên và không chuyên, Hà Nội có 71.700 suất vào lớp 10 công lập. So với năm học 2022-2023, Hà Nội năm nay tăng thêm gần 1.000 chỉ tiêu vào lớp 10.
Ngày 10/6, Sở GDĐT Hà Nội phát thông cáo báo chí công bố con số chính thức về số lượt thí sinh thực tế tham gia kỳ thi vào lớp 10 công lập ở cả hai hệ chuyên và không chuyên là: 115.059. Như vậy, nếu tính con số thực tế tham gia kỳ thi và đối chiếu với tổng chỉ tiêu tuyển sinh, tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 của Hà Nội năm nay là 62,3%. Trong khi con số này của năm học 2022-2023 vào khoảng 60%.
Trước đó, trong buổi giao lưu trực tuyến tư vấn tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2023. ông Nghiêm Văn Bình, Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GDĐT Hà Nội đã có những chia sẻ: Số lượng học sinh vào các trường công lập năm nay có tăng hơn cho với các năm trước. Số lượng học sinh vào các trường theo quận cũng không đồng đều. Tuy nhiên, toàn thành phố đã chia thành 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi khu vực đều có 4, 5 trường THPT công lập trở lên để giúp học sinh lựa chọn. Ngoài ra, các em được đăng ký 3 nguyện vọng, trong đó có 1 nguyện vọng ở khu vực bất kỳ. Đó là mong muốn của Sở GDĐT Hà Nội giúp các em có thêm cơ hội lựa chọn và trúng tuyển vào ngôi trường mình mơ ước.
Theo ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội, học sinh có nhiều lựa chọn sau tốt nghiệp bậc THCS. Bên cạnh lựa chọn học lớp 10 các trường công lập, học sinh có thể chọn học lớp 10 tại các trường công lập tự chủ, các trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - giáo dục thường xuyên, các cơ sở GDNN... Đặc biệt, nếu có nguyện vọng, học sinh có thể lựa chọn học lớp 10 tại các cơ sở GDNN. Lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết, mùa tuyển sinh này sẽ có khoảng hơn 17.000 học sinh tốt nghiệp THCS tuyển vào các cơ sở GDNN.
Những năm qua, áp lực của học sinh đối với kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường công không chỉ đến từ sự cạnh tranh ở tỷ lệ "chọi" cao mà còn từ kỳ vọng của nhiều bậc cha mẹ. Trong khi thực tế hiện nay, hệ thống trường THPT ngoài công lập đã phát triển với nhiều mô hình, có sự đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng về mức học phí giúp phụ huynh và học sinh lựa chọn. Ở môi trường này, các em vẫn được học kiến thức, kinh nghiệm sống không thua kém gì các trường công lập. Cùng đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề cũng đang tích cực đổi mới với nhiều hình thức dạy học văn hóa kết hợp dạy nghề để thu hút học sinh, góp phần "hạ nhiệt" cho kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập. Chính vì vậy, không phải cứ thi trượt lớp 10 công lập thì mọi cánh cửa sẽ khép lại, mà còn nhiều cánh cửa khác đang mở ra cho học sinh tốt nghiệp THCS lựa chọn học tiếp lên bậc học cao hơn.
Trước băn khoăn của nhiều người về nút thắt trong công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT ở nước ta hiện nay, TS Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho hay, là do việc phân luồng chưa sớm và chưa liên tục. Theo đó, cần cho các em được trải nghiệm nghề nghiệp. Từ đó giúp các em nhận ra được năng lực, sở trường, đam mê và tìm ra cho mình hướng lập nghiệp. Nhà trường, gia đình và xã hội cùng đồng hành để giúp các em chọn con đường đi phù hợp nhất.