Trên hình ảnh chụp X-quang, đồng xu tròn, sáng lóa nằm ngay ở 1/3 phần trên thực quản của bệnh nhi. Hóc dị vật đồng xu khiến em bé liên tục ọe, buồn nôn.
Bé Nguyễn G.B. (37 tháng, Việt Trì, Phú Thọ) được đưa vào khoa Cấp cứu – Trung tâm Sản Nhi (BV Đa khoa Phú Thọ) ngày 20/8 trong tình trạng hốt hoảng, buồn nôn, nôn khan.
Người nhà bệnh nhi cho biết, khi bé B. đang chơi đồ chơi, cả nhà bỗng nghe cháu khóc thét, tỏ ra hốt hoảng. Khi chạy ra, em của B. "tố" anh đã cho vật gì đó và miệng. Nghĩ đến nguy cơ hóc dị vật, gia đình đưa luôn trẻ tới viện.
Trên phim chụp Xquang cho thấy hình ảnh dị vật là 1 đồng xu mắc ở 1/3 phần trên của thực quản. Các bác sĩ đã phối hợp với các bác sĩ ngoại khoa để tiến hành nội soi can thiệp gắp dị vật ra khỏi cơ thể.
ThS.BS Nguyễn Đức Long , Trưởng khoa Cấp cứu – Trung tâm Sản Nhi cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ra hóc dị vật ở trẻ. Trẻ thường bị hóc các vật dụng, đồ chơi hay thức ăn có hình tròn, bầu dục có kích thước nhỏ như: thạch rau câu, hạt hồng xiêm, hạt nhãn, hạt na, lạc… đồ chơi như đồng xu, lego và trẻ thường trong tình trang vừa ăn vừa chơi cũng dễ gây ra hóc dị vật đường ăn.
Hóc dị vật ở trẻ rất nguy hiểm, có thể gây ngạt thở cấp với dị vật đường thở; Nhiễm trùng nặng đối với dị vật đường ăn.
Ngay khi trẻ có dấu hiệu hóc dị vật, biểu hiện trẻ ho, sặc sụa, thở hổn hển hoặc kêu không thành tiếng, không thở được, lịm dần, mắt trợn ngược, môi tái rồi tím dần…cần nhanh chóng sơ cứu trước khi đưa bệnh nhân đến viện. Vì nếu gây ngạt đường thở, chỉ sau 3-5 phút không thở được đã rất nguy hiểm cho não của trẻ.
Có nhiều biện pháp sơ cứu sau đây:
Biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu ngồi hoặc đứng, chân đưa ra phía trước. Đặt trẻ nằm sấp dọc theo mặt trước cẳng tay của người sơ cứu trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp rồi vỗ 5 lần (lực vừa phải) vào lưng của trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai. Nếu dị vật chưa thoát ra thì lập tức dùng biện pháp ép ngực.
Biện pháp ép ngực: Lật trẻ nằm ngửa dọc theo cẳng tay trong tư thế cổ ngửa, đầu thấp, dùng 2 ngón trỏ và giữa của bàn tay kia ấn vào điểm giao nhau giữa xương ức và đường nối hai núm vú 5 lần (lực ấn vừa phải). Nên làm luân phiên 2 biện pháp vỗ lưng và ép ngực cho đến khi dị vật đường thở được tống ra ngoài.
Biện pháp vỗ lưng và ép bụng cho trẻ từ 1 đến 8 tuổi
Biện pháp vỗ lưng: Người sơ cứu quỳ, cho trẻ đứng, cúi đầu thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ một bên trẻ, 1 tay đỡ ngực, 1 tay vỗ 5 lần vào lưng trẻ ở vị trí giữa hai xương bả vai, nếu dị vật chưa ra thì phối hợp dùng biện pháp ép bụng.
Biện pháp ép bụng: Cho trẻ đứng, đầu cúi thấp, miệng há ra. Người sơ cứu quỳ ở phía sau trẻ, vòng 2 tay về phía trước bụng của trẻ, 1 tay người sơ cứu nắm lại như nắm đấm đặt vào vị trí điểm giữa rốn và mũi ức, bàn tay còn lại nắm bọc ra ngoài bàn tay kia cho chặt lại. Sau đó ép bụng đột ngột 5 lần. Nếu dị vật đường thở chưa được tống ra ngoài, cần làm xen kẽ hai biện pháp cho đến khi dị vật được tống ra ngoài.
Tuy nhiên, biện pháp tốt nhất vẫn là dự phòng hóc dị vật đường thở. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần thận trọng khi cho trẻ ăn những đồ ăn có nguy cơ (hoa quả có hạt); Không cho trẻ chơi những đồ chơi chi tiết nhỏ có thể gây hóc (nên cho trẻ chơi đồ chơi theo độ tuổi phù hợp); Không vừa cho trẻ ăn vừa chơi, cười đùa tránh gây hóc.