Ngày 4/11, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo, Mỹ sẽ cắt giảm 5 chương trình trao đổi văn hóa với Trung Quốc, coi chúng là "công cụ tuyên truyền quyền lực mềm".
Cụ thể, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi thông báo, Mỹ đã "chấm dứt" Chương trình Giáo dục Chuyến đi Trung Quốc, Chương trình Hữu nghị Mỹ - Trung Quốc, Chương trình Trao đổi Lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc, Chương trình Trao đổi Mỹ - Trung Quốc và Chương trình Giáo dục và Văn hóa Hồng Kông.
Theo thông báo, các chương trình trên, ban đầu nhằm mục đích thúc đẩy trao đổi học thuật và văn hóa với nước ngoài được thực hiện theo Mục 108A của Đạo luật Trao đổi Văn hóa và Giáo dục tương hỗ (MECEA) được Tổng thống John F. Kennedy ký năm 1961.
"Trong khi các chương trình khác được tài trợ dưới sự bảo trợ của MECEA là đôi bên cùng có lợi, thì 5 chương trình được đề cập hoàn toàn được tài trợ và vận hành bởi chính phủ (Trung Quốc) như những công cụ tuyên truyền quyền lực mềm", tuyên bố cho biết.
Hiện vẫn chưa có bất kỳ phản hồi chính thức nào từ phía Trung Quốc.
Đồng thời, cũng chưa có bình luận chính thức nào từ đại diện cho các chương trình bị Bộ Ngoại giao "chỉ tên".
Trong bối cảnh Washington tiếp tục tuyên truyền chống Bắc Kinh và ra các lệnh trừng phạt mới nhắm vào các hoạt động khác nhau của Trung Quốc, hiện nay, gã khổng lồ châu Á đã bị Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) John Ratcliffe cáo buộc là gây ra "mối đe dọa an ninh quốc gia lớn nhất" đối với Mỹ.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã phát động một cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh với lý do Trung Quốc có các hành vi thương mại không công bằng.
Vào tháng 5/2019, Mỹ đưa vào danh sách đen hơn 70 công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm Huawei Technologies, ZTE và SMIC do lo ngại về an ninh quốc gia trước mối liên hệ của những công ty bị cáo buộc với chính quyền và Quân đội Trung Quốc.
Cả Huawei và Bắc Kinh kể từ đó đã nhiều lần bác bỏ các tuyên bố, yêu cầu xem bằng chứng nhưng Mỹ vẫn không hề công bố.