Ngày 22/11, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã ban hành Thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo đó, TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại Tổng công ty này.
TTCP xác định, SCIC là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước, được giao thực hiện việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương chuyển giao với số lượng lớn.
Thế nhưng SCIC lại thực hiện một số nội dung công việc như một cấp quản lý nhà nước trong việc thẩm định, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.
Cũng theo TTCP, việc rà soát, xây dựng danh mục các doanh nghiệp nhà nước đủ điều kiện bàn giao, doanh nghiệp nhà nước thuộc đối tượng bàn giao nhưng chưa đủ điều kiện bàn giao, cũng như lộ trình tiếp nhận theo từng bộ, ngành, địa phương của SCIC còn chưa đầy đủ, thiếu chính xác.
“Hội đồng thành viên SCIC không có văn bản phê duyệt kế hoạch tiếp nhận doanh nghiệp hàng năm. SCIC tiếp nhận Vietracimex không có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không thuộc đối tượng chuyển giao theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo việc đại diện vốn tại Tổng công ty CP Bảo hiểm Việt Nam trên cơ sở nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu từ Vinashin là không đúng quy định…”- TTCP nêu rõ.
TTCP kết luận, từ năm 2008-2013, SCIC chuyển giao lại quyền đại diện vốn Nhà nước về bộ, ngành, địa phương quản lý tổng số có 30 doanh nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có Công ty CP Hàng không Jetstart Pacific Airlines là có văn bản Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Còn lại 29 doanh nghiệp việc chuyển giao căn cứ theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: “Trước mắt tạm thời chưa tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp làm nhiệm vụ công ích, gắn với thực hiện chính sách xã hội, với ngân sách địa phương”.
Qua kiểm tra tài liệu do SCIC do cung cấp, đối chiếu các tiêu chí, doanh mục sản phẩm, dịch vụ công ích… thì các doanh nghiệp nói trên có làm nhiệm vụ công ích, gắn với thực hiện chính sách xã hội, với ngân sách địa phương, thuộc diện được chuyển giao lại hay không là không rõ ràng.
Theo TTCP trong việc thực hiện các dự án đầu tư, một số người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, để doanh nghiệp vi phạm các quy định về đấu thầu, thực hiện đầu tư dự án trước khi được Đại hội cổ đông thông qua, không thẩm định hiệu quả của phương án đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư không hiệu quả, quản lý đầu tư không tốt dẫn đến khó thu hồi vốn đầu tư.
Công tác quản lý tài chính tại một số công ty do người đại diện vốn SCIC tham gia quản lý điều hành còn để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, một số doanh nghiệp còn vi phạm trong công tác quản lý tài chính và hạch toán, kế toán như: tính trích lập dự phòng sai quy định; sử dụng hóa đơn không hợp pháp, không hợp lệ làm chứng từ thanh toán; chi phí quản lý doanh nghiệp không hợp lý, hợp lệ… với tổng số tiền 183,333 tỷ đồng.
TTCP chỉ rõ, khoản đầu tư tăng vốn điều lệ tại Vinaconex với giá trị đầu tư thêm của SCIC 1.602 tỷ đồng theo quyền mua của cổ đông hiện hữu, thực chất chỉ để giúp Vinaconex tái cơ cấu về tài chính trả nợ trái phiếu đến hạn do khoản lỗ gần 2.000 tỷ đồng tại dự án nhà máy xi măng Cẩm Phả.
Ngoài ra, SCIC tính trích lập dự phòng đầu tư tài chính tại Tập đoàn Bảo Việt để giảm vốn đầu tư quỹ HTSX&PTDN không có cơ sở với số tiền 645,745 tỷ đồng.
TTCP cũng cho rằng, công tác đầu tư, mua sắm tài sản của SCIC còn có vi phạm trong việc lập hồ sơ hoàn công, quyết toán, hạng mục phát sinh thiếu thủ tục quy định. Nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng là 251,864 triệu đồng; sai phạm khác là 129,216 triệu đồng…