Theo như lịch điều chỉnh tuyển sinh 2020 mà Bộ GDĐT đã công bố, các trường ĐH sẽ công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 vào ngày 5/10 tới đây. Thời điểm hiện tại, nhiều trường đã công bố mức sàn xét tuyển…
Nhiều trường công bố mức điểm sàn
Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã chính thức công bố điểm sàn xét tuyển của các ngành/chương trình đào tạo trình độ ĐH của các trường ĐH thành viên, các khoa trực thuộc. Theo đó, mức điểm sàn cao nhất là của nhóm ngành Công nghệ thông tin của ĐH Công nghệ với 24 điểm/3 môn. Trung bình 8 điểm/ môn với các tổ hợp xét tuyển A00 và A01. Các ngành còn lại của trường đều lấy điểm sàn xét tuyển ở mức cao là 18 điểm.
Theo mức điểm đã công bố (dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT), điểm sàn ĐH Khoa học Tự nhiên cao nhất là 21 điểm của các khoa Máy tính và Khoa học thông tin, Công nghệ kĩ thuật hoá học, Công nghệ sinh học. Mức điểm sàn thấp nhất vào ĐH Khoa học Tự nhiên là 17 với các khoa Khoa học vật liệu, Hoá học, Công nghệ kĩ thuật hoá học,... Điểm sàn ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn công bố dao dộng ở ngưỡng 15 - 20 điểm. Trong đó có khoa Hàn Quốc học, Đông Phương học lấy 20 điểm với tổ hợp xét tuyển C00.
Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Kinh tế, Đại học Việt Nhật, Khoa Luật công bố điểm sàn là 18 điểm cho tất cả các khoa; Khoa Quốc tế lấy mức điểm sàn là 16 cho tất cả các ngành, tuy nhiên thí sinh phải đạt điểm thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ tối thiểu 4 điểm (trên thang điểm 10).
Ngoài ra, thời điểm này nhiều trường ĐH cũng đã công bố điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển học bạ.
Hội đồng tuyển sinh của ĐH Luật Hà Nội đã công bố điểm trúng tuyển vào trường theo diện xét tuyển với phương thức dựa trên kết quả học tập bậc THPT. Theo thông báo, điểm xét tuyển học bạ của trường ĐH Luật Hà Nội ở mức cao nhất dành cho thí sinh trường chuyên là 28 điểm, còn với các thí sinh thuộc các trường THPT khác là 28,41.
Kiểm soát chặt chất lượng đầu vào
Trước băn khoăn của nhiều người về việc điểm chuẩn các trường ĐH có được Bộ GDĐT kiểm soát? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT) cho biết, việc đưa ra điểm chuẩn là quyền tự chủ của các trường ĐH, nhưng phải có giải trình về quy trình xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào.
Hiện nay nhiều trường CĐ cũng như hệ thống các trường nghề lo lắng về việc các trường ĐH xác định điểm chuẩn quá thấp sẽ vét hết toàn bộ nguồn tuyển của các trường này. Bởi nếu ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào quá thấp sẽ không đạt yêu cầu về quá trình đào tạo, nhất là với trình độ ĐH.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, thực hiện Luật Giáo dục ĐH, hiện nay, Bộ GDĐT chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với 2 nhóm ngành: đào tạo giáo viên và nhóm ngành về sức khỏe. Chất lượng nguồn tuyển đầu vào là để đảm bảo thí sinh có thể theo học ngành nghề đào tạo một cách tốt nhất.
Nếu các trường cố tình tuyển không đúng, hoặc chất lượng quá thấp theo yêu cầu của ngành nghề đào tạo thì sản phẩm đầu ra cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, hoặc thậm chí các em sinh viên không thể tốt nghiệp.
Quy chế tuyển sinh 2020 cũng đã bổ sung quy định các trường chịu trách nhiệm giải trình với cơ quan quản lý nhà nước, với xã hội về cơ sở, luận cứ khoa học, quy trình xác định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào và các tổ hợp tuyển sinh phù hợp với ngành đào tạo hay không.
Tăng cường thanh tra cơ sở GDĐH
Bộ GDĐT vừa ban hành Chỉ thị nhiệm vụ, giải pháp năm học 2020-2021. Trong đó nhấn mạnh trong năm học này sẽ xử lý nghiêm tiêu cực trong hoạt động giáo dục đào tạo; Tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở GDĐH, nhất là việc thực hiện quy định về quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình; công tác tuyển sinh, các chương trình liên kết giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo, các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các hoạt động tư vấn du học. Xem xét dừng tuyển sinh các chương trình, các ngành đào tạo không đảm bảo chất lượng. M.Q.