Ngày 28/7, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức chương trình họp báo thường kỳ quý II năm 2022. Liên quan đến vấn đề “nở rộ” các cuộc thi người đẹp, người mẫu, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương đã có chia sẻ với báo chí.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết, theo Nghị định 144/2020/NĐ-CP, hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó có tổ chức cuộc thi người đẹp, người mẫu được trung ương phân cấp về chính quyền địa phương quản lý toàn diện từ cấp văn bản chấp thuận đến kiểm tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Cục Nghệ thuật biểu diễn buông việc quản lý hoạt động này.
“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều kế hoạch, hoạt động nghệ thuật biểu diễn bị ngưng trệ, vì vậy, ngay khi tình hình dịch được kiểm soát, trong điều kiện “bình thường mới”, các cuộc thi người đẹp, người mẫu đồng loạt được tổ chức cũng là một điều dễ hiểu” - ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, với vai trò là cơ quan tham mưu trong công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã chỉ đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Cục cũng có hướng dẫn tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực tế và triển khai các văn bản pháp luật.
Thời gian qua, Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đã chủ động, kịp thời đưa ra các giải pháp để xử lý các tình huống phát sinh. Hiện Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể những vấn đề phát sinh trong thực tiễn, để từ đó có những căn cứ đưa ra những tham mưu, đề xuất điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, nhìn nhận đa chiều về các cuộc thi người đẹp, người mẫu thì bên cạnh một số hạn chế, không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của một số cuộc thi người đẹp, người mẫu khi đã khẳng định thương hiệu và góp phần quảng bá du lịch, tôn vinh những nét đẹp văn hóa và con người Việt Nam. Trong đó, phải kể đến một số thành tích đáng khích lệ của một số người đẹp tại các “đấu trường” nhan sắc khu vực và quốc tế thời gian qua.
Để giải quyết được những tồn tại, phát huy những giá trị, ý nghĩa tích cực của các cuộc thi người đẹp, người mẫu, theo ông Dương, rất cần sự chung tay, đồng hành của các cơ quan, đơn vị báo chí, truyền thông góp phần công khai, minh bạch, giám sát việc tổ chức các cuộc thi. Đồng thời tuyên truyền để mọi người nhận thức đúng đắn về quy mô và ý nghĩa của các cuộc thi, tránh những ngộ nhận, hiểu lầm về mục tiêu của cuộc thi, của các danh hiệu. Đồng thời cũng lên án những hành vi trục lợi các “danh xưng” đến từ các cuộc thi đó.
“Cao hơn nữa, một trong các chế tài mạnh mẽ nhất đối với các cá nhân, tổ chức trong nghệ thuật biểu diễn, đó là sự “nghiêm khắc của công chúng”, góp phần thanh lọc, gạt bỏ những tiêu cực, tôn vinh những giá trị đích thực. Bởi xét cho cùng, tôn vinh cái đẹp, giá trị thực luôn là điều nên làm, cần làm trong mọi thời đại” - ông Dương nói.