Ngày 9/8, phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã khép lại với sự thống nhất sẽ tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 song lùi đến tháng 11/2023 mới bàn thảo tiếp về thời điểm và mức tăng.
Cần điều chỉnh lương theo chỉ số tiêu dùng
Tại phiên họp, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cho rằng, cần điều chỉnh lương theo chỉ số giá tiêu dùng để thu nhập thực tế của người lao động không bị giảm sút. Mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024 nên tăng từ 5-6%.
“Trước phiên họp, tổ chức công đoàn tiến hành khảo sát ở 200 doanh nghiệp (DN) thuộc 6 tỉnh cho thấy, trên 75% người được khảo sát cho biết thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi tiêu. Bên cạnh đó, 17,3% số người tham gia khảo sát phải vay tiền chi tiêu. Điều đáng nói, tiền thuê nhà bình quân trên 1,8 triệu đồng/tháng, lương thực chỉ chiếm 34,5%, phi lương thực 68,5%. Trong khi đó, thời gian điều chỉnh tiền lương theo Nghị định 38 là 1,5 năm” - ông Quảng nói và cho biết thêm: “Nhiều người lao động bày tỏ mong muốn tăng lương từ đầu năm 2024 với mức trên 11%. Tuy nhiên chúng tôi thấy rằng, đây là thời điểm cần chia sẻ khó khăn với DN. Công đoàn mong muốn mức điều chỉnh lương tối thiểu năm 2024 tăng từ 5-6%”.
Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng cho biết, DN rất quan tâm và coi người lao động là tài sản vô giá. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đời sống DN khó khăn. Nhiều DN đang chồng chất khó khăn vẫn gồng mình duy trì việc làm cho người lao động. "Khi bàn về lương tối thiểu vùng, chúng tôi đồng ý cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, điều chỉnh ngay lúc này thì không thể" - ông Phòng nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, các chính sách chịu tác động rất nhiều đến điều chỉnh lương tối thiểu. Lương tối thiểu liên quan cân đối, tính toán Quỹ công đoàn, Quỹ bảo hiểm xã hội... mà các DN còn đề xuất giảm đóng quỹ này.
"Chúng ta chưa nên quyết định ngay điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong phiên họp này. Xem xét tăng lương cần phải có độ trễ, sẽ được quyết định căn cứ vào các thông số tới đây" - ông Phòng nêu quan điểm.
Đại diện một số DN cũng chia sẻ thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh liên tục gặp khó khăn kéo dài do đơn hàng sụt giảm dẫn tới thu hẹp quy mô sản xuất, doanh thu giảm… Khảo sát tại 63 tỉnh, thành phố trong 4 tháng đầu năm 2023 cho thấy có hơn 500.000 người bị ảnh hưởng việc làm, trong đó gần 300.000 người thôi việc. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng mới lao động. Do đó, năm 2024 chắc chắn sẽ phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Vấn đề là tăng lương vào thời điểm nào, mức tăng ra sao thì cần thêm thời gian để đánh giá các yếu tố.
Thống nhất phương án tăng lương
Khép lại phiên họp, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất quan điểm: Sẽ tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, tuy nhiên cần xem xét mức tăng, thời điểm tăng. Trao đổi với báo chí sau phiên họp, ông Lê Đình Quảng cho biết, quan điểm chung đều đánh giá tình hình hiện nay, cả DN và người lao động (NLĐ) đều đang gặp khó khăn.
“Hiện cả hệ thống chính trị đang vào cuộc để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho DN và NLĐ. Chính vì vậy các thành viên đều đồng ý sẽ đề xuất điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2024. Tuy nhiên mức tăng như thế nào, thời điểm tăng (từ 1/4 hay từ 1/7) thì phải chờ các thông tin, dữ liệu đầu vào dịp cuối năm nay để cùng xem xét, đánh giá tại phiên họp lần thứ hai của Hội đồng Tiền lương quốc gia dự kiến diễn ra vào cuối tháng 11/2023” - ông Quảng cho biết.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho biết, trên tinh thần chia sẻ khó khăn của DN và NLĐ, phía Bộ LĐTB&XH cũng thống nhất sẽ điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong năm 2024, tuy nhiên thời điểm tăng, mức tăng sẽ được xem xét kỹ hơn tại phiên họp diễn ra vào tháng 11 tới đây.
Phiên họp Hội đồng Tiền lương quốc gia khép lại dù chưa đưa ra phương án tăng lương tối thiểu vùng mức nào và tăng bao nhiêu, tuy nhiên việc thống nhất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 khiến nhiều NLĐ vui mừng và phấn khởi.
Đã có hơn 5 năm làm việc tại một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội nhưng đến nay mức lương cơ bản của chị Nguyễn Thị Ngát (quê Hưng Yên) chưa tới 5,7 triệu đồng/tháng; nếu tính tiền trợ cấp và làm tăng ca thì thu nhập tăng thêm vài ba triệu đồng. Thời gian vừa qua, công ty thiếu đơn hàng nên công việc ít, thu nhập lại giảm. Với tình hình khó khăn về việc làm, thu nhập như hiện nay, chị Ngát và nhiều công nhân khác rất mong muốn được tăng lương tối thiểu vùng 400.000 – 500.000 đồng để bù đắp vào việc giá cả tăng, cải thiện cuộc sống.
Theo ông Lê Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam, về thu nhập của NLĐ khối đường bộ hiện đạt mức bình quân 7,5 triệu đồng/tháng; khối xây dựng cơ bản khoảng 10 triệu đồng/tháng; khối công nghiệp cơ khí khoảng 9 triệu đồng; khối khảo sát thiết kế dịch vụ gần 12 triệu đồng…Với mức thu nhập như trên, đời sống người lao động vẫn khó khăn. Bởi mức lương phải “gánh” rất nhiều khoản phải chi phí trong khi giá cả tăng chóng mặt. “Công đoàn ngành giao thông vẫn đề xuất tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng” – ông Minh nói.
17,3% công nhân phải thường xuyên vay nợ
Khảo sát của Viện công nhân và công đoàn (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) cũng cho thấy, có 17,3% công nhân lao động được khảo sát cho biết, thường xuyên vay nợ dẫn đến 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố và 45,2% người vay nợ có tâm trạng lo lắng bất an.
Theo thông lệ từ hơn 10 năm qua từ khi Hội đồng Tiền lương Quốc gia được thành lập, lương tối thiểu vùng thường được điều chỉnh vào ngày 1/1 hàng năm. Tuy nhiên từ năm 2020 đến giữa 2022, việc điều chỉnh này tạm hoãn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 1/7/2022 với mức tăng 240.000-260.000 đồng tùy từng vùng.
Gần đây nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022.Cụ thể, vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.
TS Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội:
Cần nhiều chính sách hỗ trợ người lao động
Lương tối thiểu chỉ là mức sàn thấp nhất. Lương tối thiểu sẽ cần điều chỉnh khi chỉ số giá tiêu dùng tăng cao hơn tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tiền lương. Do đó, đi đôi với việc bảo đảm lương tối thiểu cần có các giải pháp cùng với doanh nghiệp để tăng năng suất lao động, làm thế nào để tiền lương thực tế của người lao động càng ngày càng tăng lên. Vấn đề quan trọng là lương tối thiểu phải đảm bảo đời sống cho người lao động.
Tuy nhiên, khi tính toán đến vấn đề tăng lương cần xem xét tác động đến khả năng chi trả của doanh nghiệp, cũng như toàn bộ bức tranh của thị trường lao động. Bởi nếu tăng quá cao, doanh nghiệp không trụ được, họ có thể phải tính đến phương án cắt giảm lao động để tiết giảm chi phí, từ đó gây tác động ngược của tăng lương tối thiểu vùng.