Giá cả tăng nhanh, trong khi đó cách tính thuế thu nhập cá nhân vẫn không hề thay đổi. Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính thuế thu nhập cá nhân hiện đang khiến cho người dân chịu nhiều thiệt thòi.
Thay đổi mức giảm trừ gia cảnh
Hiện nay Luật Thuế thu nhập cá nhân áp dụng mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế 9 triệu đồng mỗi tháng và mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng.
Ngoài ra Luật thuế Thu nhập cá nhân (TNCN) cũng quy định nếu chỉ số giá biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thì Chính phủ phải trình phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động giá, trong khi ấy, tính đến hết năm 2018, biến động chỉ số giá đã vượt mức 20%.
Phía Tổng cục Thuế cũng cho biết sau nhiều năm triển khai, nhiều quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã không còn phù hợp, cần phải sửa đổi.
Theo thống kê, như năm 2013, CPI tăng 6,03%; năm 2014 tăng 4,09%; năm 2015 tăng 0,63%; năm 2016 tăng 4,74%; năm 2017 tăng 3,53%; 8 tháng đầu năm 2018 tăng 2,59%; dự kiến, năm 2019, CPI tăng khoảng 4%.
Nghĩa là sau 6 năm Luật Thuế TNCN có hiệu lực (tính từ năm 2013), CPI tăng khoảng 23% và phải điều chỉnh ngưỡng thu nhập chịu thuế theo quy định của luật. Do vậy Luật thuế TNCN hiện hành rất cần phải sửa đổi.
Giới chuyên gia cho rằng, luật thuế TNCN hiện nay đưa ra các ngưỡng thu nhập chịu thuế cứng. Cụ thể thuế suất thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần, quy định tại Điều 22 - Luật Thuế TNCN. Cụ thể, với mức thu nhập đến 5 triệu đồng/tháng hoặc đến 60 triệu đồng/năm, thuế suất thuế TNCN là 5%. Thuế suất 10% áp dụng cho phần thuế thu nhập tính thuế từ trên 5 - 10 triệu đồng/tháng hoặc trên 60 - 120 triệu đồng/tháng. Thuế suất 15% áp dụng cho mức thu nhập trên 10 - 18 triệu đồng/tháng hoặc 120 - 216 triệu đồng/năm. Mức thuế suất 20% áp dụng cho mức thu nhập chịu thuế trên trên 216 - 384 triệu đồng/năm hoặc trên 18 - 32 triệu đồng/tháng. Mức thuế suất 25% áp dụng cho phần thuế thu nhập tính thuế trên 32 - 52 triệu đồng/tháng hoặc 384 - 624 triệu đồng/năm. Mức thuế suất 30% áp dụng cho phần thuế thu nhập tính thuế trên 624 - 960 triệu đồng/năm hoặc trên 52 - 80 triệu đồng/tháng. Mức thuế suất 35% áp dụng cho phần thu nhập chịu thuế trên 80 triệu đồng/tháng hoặc trên 960 triệu đồng/năm.
Vì lạm phát, đồng tiền mất giá tính theo hàng năm thì thu nhập đạt ngưỡng chịu thuế lại được ấn định trong nhiều năm, dẫn tới hệ quả là thu nhập thực tế mà người nộp thuế giữ lại ngày càng trở nên ít hơn và giảm dần theo hàng năm.
Về mặt nguyên tắc, thu nhập chịu thuế phải có sự biến thiên theo hướng tỷ lệ thuận với mức độ lạm phát, nhưng sự lạc hậu của Luật Thuế TNCN là đang đưa ra một sự chốt cứng, dẫn tới thu nhập thực tế bị nghịch đảo với lạm phát.
Một thống kê khác cũng chỉ ra, tại Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16-11-2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019: Lương tối thiểu vùng I tăng lên 4,18 triệu đồng/tháng; vùng II là 3,71 triệu đồng/tháng; vùng III là 3,25 triệu đồng/tháng và vùng IV là 2,92 triệu đồng/tháng. Lấy mốc năm 2013 là năm Luật Thuế TNCN có hiệu lực thì mức lương tối thiểu hiện nay đã tăng 76% đến 80%.
Cùng mốc năm 2013, nếu so với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thì ngưỡng thuế TNCN càng trở nên lạc hậu. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 1.960USD, nhưng đến năm 2018 lên tương đương 2.587USD, tăng 627USD, tương ứng 32%.
Cần khoan sức dân
Luật sư Lê Văn Lên thuộc đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh từng trình bày quan điểm, cần tăng mức giảm trừ gia cảnh và mức giảm trừ cho người phụ thuộc đối với người chịu thuế TNCN cho phù hợp với thực tế. Bởi hiện nay, chi phí sinh hoạt ngày một đắt đỏ và không ngừng biến động, do đó việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và mức giảm trừ cho người phụ thuộc lên mức cao hơn hiện tại là phù hợp với thực tế và nguyện vọng của đại đa số người dân. Ngoài ra, không nên cào bằng ngưỡng chịu thuế bởi ở những thành phố lớn, chi phí sinh hoạt cao hơn. Vì vậy, nên căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm áp dụng cho người lao động ở 4 vùng để tính mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế.
Giới chuyên gia cho rằng, khi xây dựng Luật cần phải khoan sức dân.
Bà Tạ Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế cho biết sẽ chủ trì, báo cáo Chính phủ để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh trong cách tính thuế Thu nhập cá nhân.