Sen hồng một nụ, em ngồi một thuở/ Một thuở yêu nhau có vui cùng sầu/Từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào/ Sen hồng một độ, em hồng một thuở xuân xanh…
Bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bỗng dừng, vì cả khu phố mất điện. Mất điện và mất luôn cả mạng internet. Giữa tháng 6, mùa hè Hà Nội nắng nỏ, tôi quyết định ra phố. Dẫu gì, phố vẫn còn những hàng cây mát xanh… Tôi chạy lên phía hồ Tây. Và kìa, phố tràn ngập sắc hồng, sắc trắng và hương thơm tinh khiết, dịu dàng của sen tỏa ra từ những chiếc xe đạp lúc lỉu hoa sen.
Kì lạ, loài hoa tưởng chừng chỉ gắn với ao hồ, đầm nơi thôn dã lại được người thành phố chuộng đến thế. Dù vẫn thấp thỏm đắn đo chưa hẳn là sen hồ Tây đâu, nhưng hầu như ai yêu sen cũng đều dừng lại, và mua và tin rằng những bông sen ấy vừa được hái sớm nay từ mấy cái đầm sen còn sót lại ở mạn Tây Hồ…
Sen hồ Tây vào mùa đã lâu. Tuy vậy, cùng với cái nắng nóng ngày càng gia tăng thì lượng người đổ về đây vẫn nhiều. Sớm sớm chiều chiều, các ngả đường dẫn về hồ lúc nào cũng ríu rít, nhộn nhịp. Người trẻ đưa nhau đến thưởng ngoạn, chụp ảnh chơi, thư giãn cũng có. Người mẫu tạo dáng cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cũng có. Có cả những đôi uyên ương kéo bạn bè tới chứng kiến những khoảnh khắc vàng khởi đầu cho một cuộc sống chung trăm năm hạnh phúc. Rồi thì các gia đình đưa nhau lên hóng gió, các ông già bà cả dạo chơi hít thở không khí trong lành.
Dù đông đúc ồn ào, náo nhiệt, nhưng kì lạ thay, cái không gian đầm sen lộng gió ấy như được thanh lọc bởi một chiếc máy khổng lồ và vô hình nên cứ ngát lịm, thanh tao đến kì lạ. Ai bảo Hà Nội chật chội và xô bồ, ai bảo Hà Nội thiếu vắng những chốn hòa đồng với thiên nhiên, những địa điểm vui chơi công cộng hấp dẫn thì cứ bảo người đó lên với hồ Tây vào mùa này. Tất nhiên, chỉ một sen hồ Tây thôi chưa hẳn là nhiều.
Nhưng có thêm những đầm sen Tây Hồ, Hà Nội cũng thi vị thêm nhiều lắm. Thích nhất là con đường chạy một vòng ven hồ, vừa được hưởng những cơn gió mang hơi nước mát lịm vừa được thưởng thức sóng vỗ bờ lăn tăn. Nếu đói bụng có thể rẽ vào các hàng ốc, hải sản ven hồ, vừa ăn vừa ngắm cảnh.
Còn với những người chỉ thích dạo chơi thì cũng đừng sốt ruột. Bởi hồ Tây rộng, đường đi vòng quanh hồ rất dài, song điểm đến cuối cùng thì xứng đáng cho bất kì hành trình nào. Cả một không gian rộng lớn mênh mông là sen, rập rờn là sen, xanh mướt là sen, hồng tươi là sen, thơm ngát là sen.
Tôi có một người bạn. Bạn không sinh ra tại Hà Nội, nhưng những năm sinh viên sinh sống học tập tại đây, bạn đã bị vẻ đẹp của sen hồ Tây hút hồn. Bạn cũng là người hay uống trà, và uống đến độ "sành". Tuy chẳng bằng các bậc cao nhân trong "Chén trà sương" của cụ Nguyễn Tuân, trình độ ẩm thực đến mức uống một ngụm biết đáy cả hộp trà có lẫn vỏ trấu song hầu như các loại trà trên thế gian, từ rẻ đến đắt, từ nội đến ngoại bạn đều đã thưởng thức và phân biệt được.
Cuối cùng, bạn "kết" nhất trà sen hồ Tây. Khoái nhất là được tự tay mình đi thuyền ra giữa đầm từ chiều hôm trước, chọn lấy một bông sen to, thơm và dày cánh, tách từng lớp cánh ra, mỗi lớp cánh hoa rắc vài cánh trà hảo hạng (loại trà mộc, chưa từng tẩm ướp hương liệu gì).
Chỉ rắc lấy ít một thôi, đừng tham, vì phàm những thứ tinh túy thì chỉ nên thưởng thức nhấm nháp thôi chứ đừng bao giờ cầu lấy no, lấy chán kiểu phàm phu tục tử. Rồi khe khẽ buộc bông hoa ấy lại, thong thả chèo thuyền ra về.
Qua một đêm trăng thanh gió mát, hơi sương phảng phất, khí đất trời như hội tụ cả vào đài sen ấy. Sáng sớm ra, khi mặt trời chưa mọc đã se sẽ chèo thuyền ra, hứng lấy cả những cánh chè và những giọt sương còn đọng lại trên hoa mang về chế thành ấm trà sen, chầm chậm nhấp từng ngụm nhỏ, thì cảm giác ngọc dịch quỳnh tương trên thiên giới cũng chỉ đến vậy mà thôi.
Bạn xa Hà Nội, sang Nhật Bản lập nghiệp, trong rất nhiều nỗi nhớ, có một niềm thao thức, tiếc nuối khôn nguôi về những chén trà sen. Ngày bạn đi, trong hành trang của bạn, thấy có mấy cân trà sen khô ướp sẵn, tôi tưởng bạn mang đi để uống dần, không ngờ bạn bảo: của ngon phải chia cho bè bạn chứ. Ý bạn muốn nói, đây như quà ra mắt những người bạn mới. Tôi đã tỏ ý e ngại.
Ở một đất nước công nghiệp như Nhật Bản, mọi thứ đều được đóng gói, ghi nguồn gốc và hạn sử dụng đàng hoàng, nhất là đồ ăn thức uống, vậy thì một thứ trà trông thủ công, chẳng có gì đặc biệt, được bọc trong những bịch nilon cũ kĩ, liệu thứ "thời trân" của mình có được đón nhận nhiệt tình hay không? Nghe tôi nói thế, bạn cũng băn khoăn. Nhưng rồi, mấy tuần sau, khi đã ổn định chốn ăn ở và công việc, bạn vội gọi về cho tôi báo, mấy cân trà sen bạn mang sang đã hết bay.
Người Nhật tuy tác phong công nghiệp nhưng cũng rất trân trọng những thứ được làm thủ công, tỉ mỉ bằng đôi bàn tay khéo léo. Bạn bảo, khi đi sang nước ngoài, cũng giống như phở, như nem, trà sen tuy chỉ là một thức uống nhưng góp phần không nhỏ để giới thiệu với bạn về tinh thần ẩm thực, về văn hóa, hồn cốt của dân mình, tổ quốc mình. Trà sen Tây Hồ không hổ danh nhiệm vụ "đi sứ", khiến bạn tôi được tự hào.
Nghe đâu, để ướp được 1 cân trà sen hồ Tây chính hiệu cần đến hơn 1.000 bông sen và có người chuyên làm trà sen đã thầu gần hết diện tích trồng sen ở đây để lấy nguyên liệu ướp trà. Bởi vậy, đừng ai ngạc nhiên khi giá trà sen hồ Tây đắt đỏ. Bởi vậy, cũng đừng ai ngạc nhiên khi đến hồ Tây muốn mua hoa sen chủ đầm ngần ngại chả muốn bán, mà dù có bán thì giá cũng rất đắt.
Đó cũng chính là lí do tại sao thứ sen theo chân các cô hàng rong đi khắp phố lại không phải là sen hồ Tây. Người không biết thì bảo: "Phú quý sinh lễ nghĩa", cầu kì, thương hiệu như vậy nhưng chắc gì đã ngon.
Còn riêng với tôi, trà sen hồ Tây không gì sánh được. Không hẳn vì nó ngon lành hay "đẳng cấp" gì mà bởi, uống trà sen chính là sự thưởng thức thật sự. Cả hương lẫn sắc, cả màu lẫn vị, cả cái sự tinh tế, thăng hoa khi được hít hà cái mùi thơm thanh tao, nhấp một chén mà như thấy được cả hồ sen trước mắt vậy. Cái sự sảng khoái, nhẹ nhõm lâng lâng ấy, có thể bỏ tiền ra cũng chẳng dễ gì có được.
Viết đến đây tôi lại chợt nhớ đến nhà thơ – nhà báo Trần Hòa Bình. Ông đột ngột rời bỏ bạn bè, người thân ra đi lúc rạng sáng ngày 17/8/2008. Lúc đó mới 53 tuổi. Thế nhưng, những bài thơ của ông vẫn còn ở lại. Cũng như Trịnh Công Sơn đã mất, nhưng những bài hát của ông vẫn còn ở lại. Với Trần Hòa Bình, thơ ông không chỉ có: “Thêm một chiếc lá rụng/ Thế là thành mùa thu/ Thêm một tiếng chim gù/ Thành ban mai tinh khiết...”. Trần thi sĩ còn có “Bài hát ru hoa sen” mà cá nhân tôi vô cùng tâm đắc. Xin được chép lại ra đây, theo trí nhớ của mình, như gửi một sự nhớ đến ông, trong một ngày tháng 6 ở Hà Nội:
Ngủ đi những đóa sen
Hoa mọc bên nhà em
Ta hái về thành phố
Đêm nay Từ Sơn ta nhớ
Đêm nay Từ Sơn còn nhớ ta?
Ngủ đi những đóa hoa
Giấc mơ yêu nồng thắm của ta
Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng
Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không?
Ôi những đóa sen dè dặt cánh hồng...
Ngủ đi những đóa hoa vợ chồng
Ta ru hoa một đêm dài đơn độc
Và em nữa, đã bao giờ em khóc
Trước hồn sen trong vắt một ước nguyện
Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền?
Ngủ đi - nhưng đừng vào lãng quên
Những đóa hoa sen ta hái về chậm trễ
Ta yêu em mà không sao thưa được
Sen ngủ trong bình em thức trong ta...
Ngủ đi những đóa hoa lạ nhà
Hãy mơ giùm ta một mùa hoa đôi lứa
Đêm nay hồn ta hé mở
Nhớ một đầm sen
Thổi gió dài tóc em...