Như Báo Đại Đoàn Kết đã đưa tin, mới đây Bộ GD&ĐT đưa ra Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38 – là Thông tư Quy định điều kiện, hồ sơ, quy trình cho phép đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định cho phép đào tạo các ngành hoặc chuyên ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.
Ảnh minh họa
Theo Bộ GD&ĐT, sau gần 5 năm thực hiện, một số nội dung của Thông tư 38 không còn phù hợp với những quy định mới của Luật Giáo dục ĐH, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục ĐH và một số văn bản khác. So với quy định hiện hành, Dự thảo đã giao thêm quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo trong xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo. Giao thêm quyền quyết định mở ngành cho thủ trưởng các cơ sở GDĐH đã được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết 77.
Đồng thời dự thảo quy định chặt chẽ hơn điều kiện về đội ngũ giảng viên và quy trình kiểm tra xác nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế ở cơ sở đào tạo; quy định thẩm định chương trình đào tạo gắn với thẩm định các điều kiện đảm bảo chất lượng và việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi trình Bộ GD&ĐT; quy định cụ thể trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân trong kiểm tra và xác nhận điều kiện thực tế, thẩm định chương trình đào tạo và các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Dự thảo cũng bổ sung quy định về sự tham gia của các chuyên gia trong việc thẩm định điều kiện đảm bảo chất lượng của một số nhóm ngành, quy định thẩm quyền của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc kiểm tra, xác nhận điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế đối với các ngành thuộc lĩnh vực An ninh, Quốc phòng (do yêu cầu bảo mật thông tin)...
Cụ thể, về đào tạo thạc sĩ, trong dự thảo nêu rõ các cơ sở giáo dục cần có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, ngành gần với ngành đề nghị cho phép đào tạo và không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các ngành khác, trong đó có ít nhất 3 người cùng ngành. Tương tự, về đào tạo tiến sĩ, cần có ít nhất 5 giảng viên cơ hữu có bằng tiến sĩ cùng ngành, ngành gần với ngành đề nghị cho phép đào tạo, không trùng với danh sách giảng viên cơ hữu của các ngành khác, trong đó có ít nhất 1 giáo sư hoặc phó giáo sư và 3 tiến sĩ cùng ngành.
Trong dự thảo cũng quy định rõ về ngành đào tạo và chương trình đào tạo, đối với tên ngành đào tạo có trong danh mục và tên ngành đào tạo mới. Đồng thời nêu ra yêu cầu đối với các ngành lần đầu tiên được đề nghị cho phép đào tạo ở Việt Nam hoặc các ngành chưa có trong danh mục đào tạo.
Với đào tạo thạc sĩ, nếu chưa đủ số lượng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ cùng ngành theo quy định thì có thể thay thế bằng tiến sĩ ngành gần. Với đào tạo tiến sĩ, trong trường hợp tương tự có thể thay thế bằng giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ngành gần, trong đó tối thiểu phải có 1 người cùng ngành (trừ các ngành đặc thù chỉ đào tạo ở Việt Nam). Tất cả các giảng viên thay thế này đều phải có kinh nghiệm giảng dạy trình độ đại học, thạc sĩ (ngành gần) ít nhất 5 năm và có ít nhất 2 công trình khoa học thuộc lĩnh vực ngành đề nghị cho phép đào tạo.
Về thẩm định chương trình đào tạo: Sau khi có kết quả kiểm tra và xác nhận điều kiện thực tế, cơ sở đào tạo thành lập hội đồng thẩm định. Tiêu chuẩn và cơ cấu Hội đồng thẩm định được thực hiện theo quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học phải đạt được sau khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của GDĐH và quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, chủ tịch hội đồng là người ngoài cơ sở đào tạo... Đối với chương trình đào tạo thuộc ngành lần đầu tiên được đề nghị đào tạo ở Việt Nam hoặc ngành mới chưa trong danh mục đào tạo thì thành viên hội đồng thẩm định là những người đủ tiêu chuẩn, thành phần theo quy định nhưng có thể thuộc ngành gần. Nếu thuộc ngành gần phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm đào tạo trình độ đại học hoặc thạc sĩ và công bố ít nhất 1 công trình khoa học liên quan đến ngành đề nghị cho phép đào tạo (trừ thành viên đại diện cho đơn vị sử dụng người học sau tốt nghiệp). Tối thiểu có 2 thành viên là người ngoài cơ sở đào tạo, nếu có.
Dự thảo cũng yêu cầu, việc xem xét hồ sơ đề nghị cho phép đào tạo các ngành trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ được thực hiện trong thời hạn 30 ngày làm việc. Thời hạn đình chỉ tuyển sinh tổi thiểu là 12 tháng và tối đa là 24 tháng. Sau thời hạn đình chỉ tuyển sinh, nếu nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh được khắc phục và vẫn đảm bảo các điều kiện thì Bộ trưởng Bộ GD &ĐT quyết định cho phép cơ sở đào tạo được tuyển sinh trở lại.
Dự thảo cũng nêu rõ Trách nhiệm của cơ sở đào tạo, hội đồng thẩm định và đơn vị được mời tham gia hội đồng thẩm định, Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo…
Đồng thời Dự thảo Bổ sung thêm Điều 12 về Tổ chức thực hiện. Đối với những ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ được phép đào tạo trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, cơ sở đào tạo phải rà soát, bổ sung đảm bảo đáp ứng các điều kiện theo quy định. Nếu hết thời hạn mà không đảm bảo các điều kiện thì bị dừng tuyển sinh. Trường hợp sau 5 năm liên tiếp, cơ sở đào tạo không tuyển sinh và tổ chức đào tạo ngành đào tạo trình độ thạc sĩ hoặc trình độ tiến sĩ, nếu muốn tiếp tục tuyển sinh và tổ chức đào tạo trở lại thì phải đề nghị cho phép đào tạo lại theo quy định của Bộ GD&ĐT.