Chính phủ đã có Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 104/2007/NĐ-CP, quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo đánh giá của một số luật sư, Dự thảo nghị định mới đã siết chặt hơn hoạt động đòi nợ thuê, tránh tái diễn tình trạng đập phá, cưỡng ép, bắt giữ và nhốt con nợ trái pháp luật vẫn xảy ra lâu nay.
Nghị định 104 năm 2007 quy định: Doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đảm bảo mức vốn pháp định là 2 tỷ đồng. Trong suốt quá trình hoạt động, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải duy trì mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định. Người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc một trong các ngành: Kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh và đặc biệt là không có tiền án.
Ngoài các quy định như trên của Nghị định 104, tại Khoản 1, Điều 1, Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 104 thêm quy định: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ. Lực lượng công an có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 104 đã khắc phục những điểm lỏng lẻo của Nghị định 104 trong quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ bằng việc quy định trách nhiệm của cơ quan công an đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 104 quy định: Các doanh nghiệp đòi nợ thuê có trách nhiệm cấp trang phục, thẻ nhân viên theo quy định của Bộ Công an cho người lao động có đủ tiêu chuẩn thực hiện các hoạt động dịch vụ đòi nợ. “Trên thẻ phải có ảnh, ghi rõ họ tên, chức vụ của người được giao nhiệm vụ và có dấu của doanh nghiệp. Trong trường hợp kết thúc hợp đồng lao động với người lao động, doanh nghiệp phải thu hồi lại trang phục, thẻ nhân viên đã cấp cho người lao động...” - Dự thảo nghị định sửa đổi quy định.
Cùng với đó, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đòi nợ cũng phải chấp hành việc kiểm tra, hướng dẫn của cơ quan công an có thẩm quyền và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi đóng trụ sở và chi nhánh).
Ngoài việc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành của Nhà nước đối với doanh nghiệp; báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như quy định tại Nghị định 104 thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải thực hiện thêm báo cáo cơ quan công an đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và công an xã, phường, thị trấn nơi hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ...
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 104 quy định rõ: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Theo đó, Bộ Công an có trách nhiệm ban hành mẫu thẻ, mẫu trang phục cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, chỉ đạo lực lượng công an các cấp kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cấp và thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Bộ Công an còn được giao phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền ban hành hoặc kiến nghị với Chính phủ ban hành, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ...