Siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng Luật

H.Vũ 18/07/2018 22:10

Ngày 18/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật năm 2018. Tham dự Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng Luật

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn.

“Nửa đường đổi ý”

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, nhìn chung chất lượng đa số các dự án luật, pháp lệnh cơ bản được bảo đảm. Các dự án luật Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của UBTVQH, đều được thông qua với tỷ lệ cao.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Thành Long vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng một số dự án luật còn hạn chế, tài liệu và hồ sơ một số dự án luật chưa bảo đảm yêu cầu về hình thức, nội dung, dẫn đến việc phải rút ra khỏi chương trình.

Về tiến độ vẫn còn dự án luật xin lùi, xin rút khỏi chương trình, việc gửi hồ sơ đến UBTVQH, cơ quan thẩm tra còn chậm so với quy định, gây bị động và khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, những hạn chế trên là do chưa thật sự tuân thủ quy trình xây dựng pháp luật, hồ sơ chuẩn bị cơ bản là tốt nhưng có một số sơ xài không đầy đủ, thiếu chiều sâu. Đặc biệt, thời gian chuyển cho cơ quan thẩm tra không đúng quy định nên nhiều khi cơ quan soạn thảo và thẩm tra phải “chạy song song” với nhau trong khi tình trạng này nhiều năm không khắc phục được. Chưa kể, nhiều dự thảo chưa đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, phá vỡ hệ thống pháp luật khi thay đổi nhiều vấn đề.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, những hạn chế trên nghe đã “quen quen” vì đã tồn tại từ 10 năm nay. Nếu không kiên quyết thì 10 năm tới vẫn thế.

Bà Nga đưa ra phân tích: “Có tình trạng Chính phủ “nửa đường đổi ý” nên có việc lúc đầu trình sang chỉ sửa đổi 1 số điều nhưng về sau bỗng dưng lại mở rộng toàn bộ phạm vi điều chỉnh như Luật Đặc xá, hay Luật Thi hành án hình sự. Từ đó khiến cơ quan thẩm tra phải “chạy” theo khiến luật không đảm bảo chất lượng. Chưa kể, nhiều báo cáo “chay”, không có số liệu tổng kết quá trình thực hiện nên có việc báo cáo tổng kết không ai ký, không đóng dấu. Chưa kể nhiều nơi dự thảo luật hay báo cáo đánh giá tác động còn bị đóng dấu mật vậy ĐBQH cho ý kiến thế nào? Rồi dẫn chiếu kinh nghiệm nước ngoài nhưng không nói rõ nằm ở điều khoản nào? Hệ thống pháp luật nước đó như thế nào? Có sát với nước hay ta hay không? Cứ nói chung chung theo kinh nghiệm nước ngoài thì làm sao mà dùng được? Nhất là nhiều cuộc họp với cơ quan thẩm tra, có Bộ chỉ cử chuyên viên đến họp thì sao có thể quyết được”.

Chưa xác định rõ trách nhiệm các chủ thể

Nhấn mạnh những tồn tại hạn chế trên đã là “căn bệnh kinh niên”, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đó là do chúng ta chưa xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quá trình xây dựng pháp luật, không thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ là Bộ Tư pháp cần rà soát chặt chẽ, đề cao vai trò trách nhiệm, còn các Ủy ban của Quốc hội không được “dễ dãi”, mà phải xem có khả thi, cụ thể, thống nhất với hệ thống pháp luật không? Nếu cứ chạy theo mãi thì không được, phải lọc ngay từ đầu, siết chặt kỷ luật kỷ cương làm luật cũng như làm rõ trách nhiệm trong phân công xây dựng và thẩm tra luật.

Dẫn chứng từ việc thẩm tra Luật Giáo dục, và Luật Giáo dục đại học cho thấy sự tham gia, phối hợp của các bộ, ngành rất ít, nhiều bộ ngành “cơ bản là đồng tình” trong khi có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến chính bộ, ngành mình nhưng lại không tham gia đóng góp ý kiến vào trong báo cáo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên thiếu niên và nhi đồng Hoàng Thị Hoa cho rằng, các bộ, ngành cần tham gia nhiều hơn góp ý cho những dự án luật, nhất là những nội dung liên quan đến lĩnh vực của bộ, ngành mình quản lý. Theo bà Hoa, có như vậy luật mới sát thực tế.

Đưa ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các Bộ bảo đảm chất lượng, đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình và ban hành văn bản, khắc phục tình trạng xin rút, xin lùi thời hạn trình các dự án luật.

Đặc biệt, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trực tiếp phụ trách và chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật, chịu trách nhiệm trước Chính phủ về kết quả công tác xây dựng pháp luật của cơ quan mình, coi việc hoàn thành chương trình xây dựng pháp luật được giao là một trong những căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, trong quá trình thực hiện, chỉ cần một cơ quan chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện chung. Do đó việc đề nghị bổ sung các dự án luật vào chương trình cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng các mặt, nhất là khả năng bảo đảm thực hiện.

Để khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng xây dựng luật, theo ông Định cần tăng cường vai trò và đề cao trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, phát huy vai trò của Bộ Tư pháp trong công tác thẩm định và đầu mối giúp Chính phủ trong xây dựng pháp luật. Chính phủ cần chỉ đạo toàn diện, đồng bộ, nâng cao kỷ luật trong xây dựng pháp luật, còn các Ủy ban của Quốc hội cần phát huy vai trò và nâng cao chất lượng thẩm tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết chặt kỷ luật, kỷ cương xây dựng Luật