Tài sản công tới đây sẽ được quản lý chặt và sẽ phải tính đến việc khai thác nguồn lực từ tài sản công, coi tài sản công là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội…Đây là những điểm mới trong Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Bộ Tài chính giới thiệu trong buổi họp báo chiều 27/9, tại Hà Nội.
Ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính).
Người đứng đầu phải giải trình
Tại buổi họp báo, ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) cho biết, trong dự thảo Luật này có nhiều điểm mới nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành; bảo đảm việc đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công (TSC) hiệu quả, tiết kiệm.
Một trong những điểm mới chính là việc đưa ra mục tiêu khai thác nguồn lực từ tài sản công. Theo ông Thắng, để thực hiện mục tiêu này, dự thảo luật đã xác định phạm vi nguồn lực bao gồm tất cả các loại TSC theo Điều 53 Hiến pháp năm 2013.
Đồng thời, xây dựng những nguyên tắc chung trong khai thác, quản lý nguồn lực tài chính từ TSC để thực hiện thống nhất như: xác định chủ thể chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng; nguồn lực tài chính từ TSC phải được khai thác hợp lý, theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch; khi sử dụng, khai thác TSC vào mục đích kinh doanh phải bảo đảm bù đắp chi phí.
Cũng theo ông Thắng, trong thời gian qua, có những nơi thực hiện không nghiêm túc các chế độ sử dụng TSC. Tại dự thảo luật lần này đưa ra, người nào quản lý sử dụng tài sản công mà hướng thiệt hại thì phải đền bù trước đã, bồi hoàn cho nhà nước. Tùy theo hình thức vi phạm thì người đứng đầu nơi xảy ra vi phạm sẽ có trách nhiệm giải trình hoặc liên đới.
Việc khai thác TSC theo nguyên tắc kinh tế thị trường, không có chuyện đưa tài sản ra kinh doanh mà không được gì. Khi đưa tài sản nhà nước đi khai thác đảm bảo yếu tố công khai minh bạch, đảm bảo yếu tố thị trường. Giao quyền, cấp quyền cho thuê, chuyển nhượng khai thác tài sản phải theo trình tự.
Theo thống kê của Bộ Tài chính 4 loại tài sản tại các đơn vị hành chính sự nghiệp được thống kê có giá trị 1 triệu 040 nghìn tỷ đồng ( tương đương khoảng 50 tỷ USD), trong đó không bao gồm nhóm tài sản hạ tầng (có tổng giá trị khoảng 1 triệu 831 nghìn tỷ đồng), nhóm tài sản cấp nước sạch,… Từ trước tới nay, đây là những tài sản ít được quan tâm, nhưng trong thời gian tới sẽ được quản lý chặt chẽ. Chúng ta muốn quản lý tài sản , bắt buộc phải biết tài sản đang ở đâu, hiện trạng như thế nào? Chúng ta phải biết có bao nhiêu cái xe, xe cũ hay mới”. Có luật, căn cứ vào luật để quản lý chắc chắn hiệu quả”- ông Thắng nhấn mạnh.
Khoán xe công: Phải gắn với cơ sở hạ tầng
Trả lời báo chí xung quanh vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận về việc thí điểm khoán xe công ở Bộ Tài chính, dự kiến được áp dụng từ 1-10 tới đây, ông Trần Đức Thắng chia sẻ: Hiện nay, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về sắp xếp xe công, sau khi bộ ngành,địa phương rà soát thực hiện. Trong đó xác định rõ tổng xe, theo tiêu chuẩn định mới, chỗ nào thừa thiếu. Bộ cũng đã có văn bản gửi từng bộ ngành địa phương, để so với định mức thừa thiếu bao nhiêu, yêu cầu sắp xếp trong cơ quan để đưa về định mức chung.
“Xe nào cũ thì tự thanh lý. Xe nào còn sử dụng được mà thừa thì điều về Bộ Tài chính, để sắp xếp cho các cơ quan thiếu, tránh thừa thì bán mà thiếu lại đi mua mới, gây lãng phí”- ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Thắng cũng cho biết: “Hiện tổng số xe công trên toàn quốc ( không bao gồm xe tại lực lượng vũ trang, quốc phòng, an ninh) là 37.000 xe. Trong tổng số xe công này tính ra thừa vài nghìn xe. Như vậy sau khi rà soát Bộ sẽ xử lý đúng quy định, không thể có chuyện một đơn vị theo định mức tiêu chuẩn có 2 xe công mà lại được giữ 3 xe công.
Cục trưởng Cục Công sản cho biết: Xung quanh việc khoán xe công, từ trước đó Quyết định Bộ Tài chính đã quy định rõ, không phải tới Quyết định 32 mới có khoán. Theo ông Thắng, cách khoán thì theo đúng quyết định là khoảng cách từ nhà tới cơ quan, ngày đi làm bao nhiêu, nhân số tiền theo đơn giá taxi, ngày đi và về. Cách này chắc chắn tiết kiệm được nhiều so với xe công. Tuy nhiên, có giai đoạn chuyển tiếp, Bộ Tài chính tiên phong, nhưng cũng phải thận trọng, từng bước.