Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất giới hạn giờ làm thêm của học sinh, sinh viên của Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội không đủ căn cứ và thiếu thực tiễn.
Nhà trường không đủ nhân lực để quản lý
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó, Bộ này đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ.
Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động, và người sử dụng lao động; căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Tiền công của học sinh, sinh viên được thanh toán trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động, và người sử dụng lao động; căn cứ thời gian thực tế làm việc, khối lượng, chất lượng công việc đã thực hiện.
Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm quyền làm việc, đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
Góp ý về nội dung này, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng nhận định, quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian không khả thi.
Theo lý giải của Bộ Công thương, các cơ sở giáo dục chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị, chứ không đủ nhân lực quản lý việc làm thêm bán thời gian của nhóm đối tượng trên.
Thiếu thực tế
Ủng hộ việc sinh viên đi làm thêm để tăng thu nhập và kỹ năng sống, TS Đỗ Viết Tuân, Trưởng khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, đưa việc làm thêm của sinh viên vào Luật Việc làm cũng sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi chính đáng của các em khi tham gia vào thị trường lao động.
Theo TS Tuân, hiện nay có nhiều sinh viên đi làm thêm những công việc phù hợp, đúng với chuyên ngành được đào tạo. Với nhóm này cần khuyến khích các em đi làm thêm, vừa giúp sinh viên nâng cao hiểu biết, kiến thức thực tiễn, sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động sau khi tốt nghiệp, bên cạnh đó lại có thêm một khoản thu nhập trang trải các chi phí hàng tháng.
Thế nhưng, cũng có không ít sinh viên đi làm thêm vì mục tiêu chính là kiếm thêm thu nhập. Nhiều em bị cuốn vào việc kiếm tiền dẫn đến chậm tiến độ ra trường, thậm chí bỏ học. Thực tế, những công việc đó chỉ mang lại thu nhập nhất thời, không có tính bền vững hay cơ hội phát triển lâu dài.
Tuy nhiên, về quy định mức “trần” giờ làm thêm của sinh viên và yêu cầu các trường quản lý việc sinh viên không làm thêm vượt số giờ quy định, TS Tuân cho rằng, đề xuất này không khả thi.
Bởi lẽ, các em hoàn toàn có thể có những thông tin không chân thật để có thể làm thêm giờ nhiều hơn. Nếu sinh viên như vậy thì nhà trường không thể quản lý được mà chỉ có thể khuyến khích các em làm thêm ở mức độ phù hợp với từng lĩnh vực.
“Khi sinh viên đi làm thêm nên cố gắng tìm những công việc phù hợp với các ngành nghề đang được đào tạo hoặc sát với định hướng việc làm trong tương lai, như vậy các em vẫn đảm bảo được việc học. Khi này cũng không cần có quy định khống chế giờ đi làm thêm của nhóm sinh viên này.
Bên cạnh đó, cũng không khuyến khích các em sa đà vào việc làm thêm chỉ phục vụ mục đích tăng thu nhập, không liên quan đến định hướng nghề nghiệp lâu dài, ảnh hưởng đến kết quả học tập”, TS Tuân lưu ý.
Một số chuyên gia lao động cho rằng, nên áp dụng lương tối thiểu giờ cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các cơ sở kinh doanh như quán cà phê, nhà hàng cân đối giờ làm của học sinh, sinh viên thay vì quy định "cứng".
Hiện lương tối thiểu giờ được chia làm 4 vùng để bảo vệ người lao động. Theo đó, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.