Siết hàng giả, hàng nhập lậu cuối năm

THANH GIANG 10/11/2023 07:26

Theo Cục Quản lý thị trường TPHCM, những tháng cuối năm, tình trạng kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... diễn biến phức tạp. Hàng giả trong nước và hàng nhập lậu tràn lan trên thị trường.

Cơ quan chức năng liên tục phát hiện, thu giữ và xử lý lượng lớn hàng thời trang giả nhãn hiệu.

Hàng giả, hàng nhập lậu tràn lan

Cục Quản lý thị trường TPHCM vừa cho biết, ngày 2/11 cơ quan này đã tiêu hủy hàng hóa đối với gần 2.000 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm. Hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy này là quần áo, vải, giày, dép, ốp lưng điện thoại di động, túi nhựa các loại không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn sử dụng và hàng hoá giả mạo các nhãn hiệu: Chanel, Nike, Hermes, Louis Vuitton, Burberry, Dior... Trước đó, Đội Quản lý thị trường số 18, phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ và Công an xã Xuân Thới Sơn - Công an huyện Hóc Môn, TPHCM tiến hành kiểm tra tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng trên đường Nguyễn Thị Thử, tổ 1, ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM do ông T.N.L.H là chủ kinh doanh. Đoàn kiểm tra phát hiện tại đây đang chứa và kinh doanh số lượng lớn hàng hóa nhập lậu với 1.080 chai dầu gội bưởi không có nhãn hiệu, mỗi chai 650ml, do Thái Lan sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ theo quy định. Tổng trị giá lô hàng trên 300 triệu đồng.

Không chỉ đối với hàng giả sản xuất trong nước, lực lượng chức năng còn đấu tranh chống lượng lớn hàng nhập lậu. Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường thành phố cho biết, sau thời gian giám sát, ngày 1/11, đội quản lý thị trường bất ngờ kiểm tra đồng loạt 2 điểm chứa trữ, kinh doanh hàng hóa không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trên địa bàn quận Gò Vấp. Qua kiểm tra, phát hiện 8.708 đơn vị sản phẩm là quần, áo thời trang các loại do nước ngoài sản xuất, không rõ nguồn gốc xuất xứ; không có hóa đơn, chứng từ; có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Theo Cục Hải quan TPHCM, các lô hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phát hiện trong thời gian qua chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Đơn cử, cuối năm 2022, Cục Hải quan TPHCM phát hiện một trường hợp nhập khẩu 14.400 bộ khóa móc xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Zsolex-R, xuất xứ Trung Quốc. Đặc biệt, có những mặt hàng điện tử, trị giá cao của một số thương hiệu lớn cũng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Phối hợp chống hàng giả thiếu chặt chẽ

Ông Nguyễn Quang Huy – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM khẳng định, thời điểm trước, trong, sau dịp lễ, các tháng cuối năm là thời điểm bùng phát hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc. Các mặt hàng này được bày bán rộng rãi, công khai và không có dấu hiệu thuyên giảm. Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường thành phố sẽ tăng cường quản lý các địa bàn trọng điểm, nổi cộm, các tuyến đường, các kho bãi, điểm chứa trữ hàng hóa để xử lý kịp thời để đảm bảo được quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất.

Bàn về giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài sự nỗ lực của quản lý thị trường rất cần sự vào cuộc của các đơn vị khác. Vấn đề đặt ra ở đây là trách nhiệm của cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ra sao? Ông Nguyễn Khắc Hiếu - Phó trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu - Sở Công thương TPHCM cho biết, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã quy định rõ hơn về trách nhiệm chung và trách nhiệm quản lý ngành của Bộ Công thương, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố đối với việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời mở rộng trách nhiệm tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội. Điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đạt – Phó Trưởng ban Pháp chế – HĐND TPHCM trong quá trình khảo sát nổi lên vấn đề quy chế phối hợp của các sở ngành thành phố trong phòng chống gian lận thương mại thời gian qua chưa tốt, trong khi đây là vấn đề hết sức quan trọng. Ông Đạt đề nghị, cần đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở ngành, địa phương, các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng chống gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn thành phố. Từ đó, từng bước góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan để xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, bình đẳng, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết hàng giả, hàng nhập lậu cuối năm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO