Siết lại chi tiêu công

Việt Thắng (thực hiện) 28/07/2017 07:30

Kết quả kiểm toán 2016 vừa công bố đã chỉ ra khá nhiều sai phạm của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp về quản lý tài sản, đầu tư kinh doanh.

Trao đổi với ĐĐK, ông Bùi Đức Thụ- Phó trưởng ban Công tác đại biểu, UBTV Quốc hội cho rằng: Nhiều khi sai phạm của một số đơn vị được “hợp thức hóa” bằng tập thể quyết định nên việc cá thể hóa trách nhiệm đối với người đứng đầu là hết sức khó khăn. Để làm rõ vấn đề này phải cải cách hệ thống pháp luật.

Ông Bùi Đức Thụ.

PV: Thưa ông, ông nhận định như thế nào về kết luận của Kiểm toán Nhà nước công bố về việc thừa xe công nhưng vẫn mua sắm xe mới?

Ông Bùi Đức Thụ: Tăng cường quản lý tài chính công, tiết kiệm chi tiêu, hạn chế việc đoàn ra nước ngoài, các hội nghị hội thảo không cần thiết, hay mua sắm xe công là chủ trương lớn đã được Quốc hội ra Nghị quyết, và Chính phủ kiên quyết chỉ đạo.

Tuy nhiên ở một số địa phương, tình trạng mua xe công trong thời gian gần đây vẫn còn. Tại sao có vấn đề này là đối với số lượng xe công nằm ở các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp là tương đối lớn.

Nhưng quyền sử dụng cũng như nguồn vốn tiết kiệm lại giao cho các đơn vị đó. Cho nên dẫn đến việc điều chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác, từ địa phương này sang địa phương khác, bộ ngành này sang bộ ngành khác là chưa làm được.

Do vậy dẫn đến tình trạng tổng thể thì thừa nhưng cá biệt từng đơn vị có nơi rất thừa, song có nơi lại thiếu. Lý do thứ hai là ngay trong một đơn vị, có thể là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp có tình trạng nhiều đầu xe.

Nhưng niên hạn sử dụng xe đã hết nên các đơn vị này chưa thanh lý kịp thời số lượng xe đi. Do vậy dẫn đến vẫn có nhu cầu áp lực mua thêm xe.

Thứ ba là một số cơ quan đơn vị cũng sử dụng không đúng quy định khi sử dụng tiền ngân sách nhà nước để mua bổ sung thêm những xe mới.

Vậy theo ông cần phải siết chặt lại chi tiêu công như thế nào dù đây là vấn đề đã nhắc nhiều lần?

- Theo tôi Bộ Tài chính cần rà soát lại tình hình quản lý sử dụng xe, số lượng đầu xe ở các đơn vị, ở các địa phương, các bộ ngành.

Thứ hai là quản lý xe đó sử dụng như thế nào để có sắp xếp bố trí lại cho phù hợp. Thiếu mới cho mua, còn thừa kiên quyết không cho mua.

Người nào quyết định việc mua xe công, người đó phải chịu trách nhiệm. Còn trường hợp nơi này thừa, nơi kia thiếu thì tất cả các xe công về mặt nguồn gốc đều là tài sản của Nhà nước, từ ngân sách nhà nước do đó Bộ Tài chính phải tham mưu cho Chính phủ có cơ chế để điều chuyển các loại xe này.

Không để tình trạng tổng thể xe thừa nhưng vẫn đi mua thêm xe, gây áp lực với tăng chi ngân sách nhà nước, tăng bội chi và ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia.

Nhiều năm qua có tình trạng chi quá đà, hay nói cách khác là “vung tay quá trán” nhưng khó xử lý những trường hợp cụ thể. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Xử lý sai phạm trong quản lý tài chính chúng ta đã làm, nhưng tính kịp thời và toàn diện thì còn nhiều việc chưa làm hết. Pháp luật đã có rồi, cơ chế chức năng thẩm quyền các cơ quan chức năng đã có rồi, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện.

Quốc hội, HĐND phải giám sát việc đó để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Sai phạm phải xử lý kịp thời và công bố công khai.

Tình trạng chi tiêu công “quá đà”phải chăng sẽ gây áp lực trả nợ lớn và có thể tăng nợ công trong những năm tới, thưa ông?

- Rõ ràng việc các khoản chi tăng lên, hoặc phát sinh sẽ làm tổng chi tăng theo. Trong điều kiện thu ngân sách nhà nước có hạn, phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh, các nguồn thu theo chính sách thuế, phí, lệ phí.

Tăng chi mà thu không tăng sẽ làm tăng bội chi, bội chi tăng mà thâm hụt ngân sách ngày càng lớn thì gây áp lực với tăng nợ công. Hiện nợ công của ta đang ở mức rất là cao, cuối năm 2016 là 63,7% GDP.

Nếu bây giờ mà quản lý không chắc, không siết chặt chi tiêu công thì nguy cơ mất an ninh tài chính quốc gia là vấn đề nhãn tiền.

Vì vậy trong đường lối chính sách của Đảng, và Nghị quyết của Quốc hội những năm gần đây đã giao Chính phủ phải siết chặt chi tiêu. Mọi chính sách tăng chi phải có nguồn đảm bảo, và trên tinh thần tiết kiệm để ổn định tình hình, làm giảm bội chi ngân sách và nợ công.

Trên tinh thần đó việc quản lý mua sắm xe công là một trong những vấn đề “nhạy cảm” đòi hỏi Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh chỉ đạo để thực hiện quyết liệt.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết lại chi tiêu công