Thời gian qua, mặc dù đã có các quy định xử phạt, nhưng môi giới bất động sản (BĐS) vẫn là nghề tự do, bởi vậy kể cả khi gia nhập hay rút lui khỏi thị trường, “người trong nghề” cũng không gặp bất cứ rào cản nào...
Siết lại bởi nhiều quy định
Giới chuyên gia nhận định, với Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) vừa được thông qua, nhiều môi giới BĐS không chuyên sẽ bị loại bỏ, kỳ vọng hoạt động môi giới BĐS sẽ được siết chặt với nhiều quy định chặt chẽ, tạo ra môi trường kinh doanh BĐS lành mạnh, minh bạch.
Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), Việt Nam hiện có khoảng 100 nghìn cá nhân môi giới đang hoạt động, làm việc chính thức tại các tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp.
Trong đó, chỉ có khoảng 40.000 cá nhân tham gia hoạt động có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Còn lại hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu người tham gia kết nối thực hiện giao dịch BĐS vào thời điểm thị trường BĐS sốt nóng.
Đây là các cá nhân hành nghề tự do, “tay ngang”, nghề “tay trái”, không được đào tạo, không có kiến thức hành nghề, hoạt động mang tính tự phát, không chịu sự quản lý chuyên nghiệp của bất kỳ cơ quan nào.
Những môi giới này lợi dụng thời cơ “thổi giá” nhà đất để ôm hàng, lừa đảo khách hàng,... gây lũng đoạn thị trường, gây ra những bất ổn cho thị trường BĐS Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư, làm mất hình ảnh của lực lượng môi giới chân chính.
Bối cảnh đó cho thấy cần có cơ chế pháp luật ràng buộc vai trò và trách nhiệm của lực lượng môi giới BĐS trong việc tư vấn, cung cấp thông tin, bao gồm cả thủ tục pháp lý của sản phẩm, dự án BĐS nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư và người mua nhà khi tham gia giao dịch, qua đó giúp thị trường BĐS vận hành an toàn và minh bạch. Đồng thời cũng là để bảo vệ lợi ích của người hành nghề, khuyến khích môi giới làm nghề chân chính.
Luật Kinh doanh BĐS 2023 (sửa đổi) đã được thông qua và có hiệu lực chính thức từ ngày 1/1/2025, có nhiều điểm mới theo hướng siết chặt hoạt động môi giới BĐS.
Cụ thể, Điều 61 Luật quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề; phải hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch BĐS hoặc một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS. Điều này đồng nghĩa với việc cá nhân không được hành nghề môi giới BĐS tự do như hiện nay..
Bên cạnh đó, Khoản 1 điều 62 Luật này quy định, cá nhân hành nghề môi giới BĐS được hưởng tiền thù lao, hoa hồng từ sàn giao dịch BĐS hoặc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.
Điều 48 Luật Kinh doanh BĐS 2023 (sửa đổi) yêu cầu chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh BĐS, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS nhận tiền thanh toán theo hợp đồng kinh doanh BĐS, hợp đồng kinh doanh dịch vụ BĐS từ khách hàng thông qua tài khoản mở tại tổ chức tín dụng trong nước hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Như vậy, đối với môi giới hoạt động trong các công ty BĐS, mọi thù lao, hoa hồng môi giới sẽ chuyển khoản qua ngân hàng.
Tạo lập môi trường ổn định, minh bạch
Được biết, Bộ Xây dựng sẽ triển khai tổ chức các kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. Phương thức tổ chức sẽ do Bộ Xây dựng giao hoặc ủy quyền trực tiếp cho một số đơn vị tổ chức kỳ thi, trong đó có Hội Môi giới BĐS Việt Nam.
Những quy định mới của Luật Kinh doanh BĐS vừa được thông qua nói trên sẽ loại bỏ nhiều môi giới BĐS không chuyên, tạo ra môi trường kinh doanh BĐS lành mạnh, minh bạch. Việc giao dịch qua tài khoản cũng đồng thời giúp chống thất thu thuế khi khoản hoa hồng của lực lượng này là rất lớn.
Theo đánh giá, những quy định trên cũng đặt ra thách thức trong việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự đối với các sàn giao dịch BĐS, đồng thời cũng là những yêu cầu khắt khe hơn đối với lực lượng môi giới.
Nhận định về Luật Kinh doanh BĐS 2023 (sửa đổi), TS Cấn Văn Lực – chuyên gia ngành tài chính - ngân hàng và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đánh giá, đây là dự án Luật rất quan trọng, sẽ góp phần thúc đẩy thị trường đất đai, xây dựng và BĐS ở Việt Nam phát triển lành mạnh, minh bạch, bền vững hơn.