Bộ Tài chính vừa có vừa có văn bản đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sắp xếp, xử lý lại cơ sở nhà, đất của đơn vị.
Tính đến thời điểm 31/12/2013, ĐSVN và các đơn vị thành viên đang quản lý, sử dụng 63.210.157m2 đất, trong đó: Tổng công ty ĐSVN thực hiện trách nhiệm quản lý chung đối với đất đai toàn ngành đường săt, đồng thời trực tiếp quản lý sử dụng 9.164.170m2. Các công ty thành viên quản lý sử dụng 5.115.637m2.
“Ôm” một diện tích đất công lớn nhưng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý sử dụng đất không đúng mục đích. Cho nhiều đối tượng bên ngoài thuê đất, mặt bằng để sử dụng các lĩnh vực kinh doanh không liên quan đến hoạt động đường sắt.
Các đơn vị thành viên đã tự ký hợp đồng cho thuê mặt bằng để kinh doanh với tổng diện tích: 142.027m2, doanh thu 61.626,856 triệu đồng (diện tích trong ga 60.727m2); diện tích nằm ngoài các ga 79.085,80m2 đã cho thuê sử dụng sai mục đích.
Riêng Công ty Xe lửa Gia Lâm có Hợp đồng thuê đất với thành phố Hà Nội trả tiền hàng năm (203.873m2) đã xây tường bao quanh, nhưng lại cho 52 tổ chức, 13 cá nhân thuê lại mặt bằng, kho bãi để sản xuất kinh doanh với tổng diện tích 55.496 m2, doanh thu hàng năm 15.833,788 triệu đồng.
Ngoài ra, do sử dụng đất sai mục đích, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi 3 khu đất tại các địa chỉ 449A, 449B phố Ngọc Lâm và số 583 đường Nguyễn Văn Cừ, Gia Lâm từ năm 2013 nhưng đến nay chưa thực hiện được việc thu hồi theo quyết định; riêng khu đất 583 đường Nguyễn Văn Cừ diện tích 1.545m2 do Công ty Xe lửa Gia Lâm cho Công ty TNHH thương mại Đại Cường thuê 20 năm đến hết năm 2020 và thu tiền một lần là 2.400 triệu đồng, Công ty TNHH TM Đại Cường lại cho siêu thị Fivimart và Cửa hàng Vạn Hoa thuê lại.
Phần lớn diện tích trong khu đất 63.000m2 Công ty cổ phần vật tư đường sắt Sài Gòn quản lý đang bỏ trống từ lâu chưa sử dụng. Và cũng theo thống kê, hàng năm, ngành Đường sắt chỉ thu về được 350 tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước vẫn phải cấp bù khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện bảo trì…
Bà Nguyễn Thị Thoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, trong những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt không những không được đầu tư phát triển mở rộng, mà còn bị thu hẹp do bị tháo gỡ một số tuyến.
Mặc dù là phương thức vận tải có rất nhiều lợi thế (chỉ đứng sau vận tải thuỷ) do có giá thành vận tải thấp, vận chuyển được hàng hóa có khối lượng lớn, an toàn..., nhưng năng lực vận tải hiện nay đạt rất thấp, chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.
Trong khi đó, với tổng diện tích đất khá lớn trên 6.000ha đất, đây là một lợi thế cần có giải pháp để khai thác nguồn lực từ quỹ đất này phục vụ cho đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt.
Tuy nhiên, thực tế sự phân bố và sử dụng quỹ đất này chưa đồng đều và hiệu quả, chưa có sự thống nhất về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, việc tách bạch mục đích sử dụng quỹ đất này lại chưa rõ ràng, dẫn đến áp dụng thu đối với từng loại tài sản hạ tầng chồng chéo, khó kiểm soát.
Hiện, trong 6.000 ha đất công được giao, quỹ đất công trình hạ tầng đường sắt chiếm tới 90%. Quỹ đất sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết để tạo vốn phát triển đường sắt chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,16%.
Theo quy định hiện hành, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng với quỹ đất phục vụ mục đích công cộng, chỉ thu tiền đất sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh. Thế nhưng, do thiếu tách bạch giữa đất phục vụ hạ tầng và đất phục vụ kinh doanh, nên quỹ đất của ngành Đường sắt quản lý được bao cấp hoàn toàn.
Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính cho biết, các đơn vị được Nhà nước giao tài sản thì chỉ có thể kêu gọi các tổ chức chức doanh nghiệp cùng làm những việc có ích trên tài sản nhà nước.
Việc khai thác tài sản công theo nguyên tắc kinh tế thị trường, không có chuyện đưa tài sản ra kinh doanh mà không được gì. Khi đưa tài sản nhà nước đi khai thác đảm bảo yếu tố công khai minh bạch, đảm bảo yếu tố thị trường.