Tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa có chỉ đạo khẩn về việc chấn chỉnh các hoạt động ca Huế trên sông Hương và đường thủy nội địa, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch tham gia các tour du lịch trên sông, biển.
Biểu diễn ca Huế trên sông Hương.
Theo đó, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm nhân sự, thuyền trưởng phải có bằng lái.
Du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú, thưởng ngoạn những đền đài, lăng tẩm Huế, ai cũng mong được một lần tựa mạn thuyền rồng để nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào, sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương Giang. Đặc biệt là những người yêu Huế, muốn thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế, đặc sắc này.
“Ca Huế về đêm” từ lâu đã là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng và là điểm dừng chân không thể thiếu của du khách khi đặt chân đến Cố đô Huế. Tuy nhiên lâu nay, tình trạng lộn xộn, mất trật tự, ảnh hưởng đến giao thông và văn minh đô thị của dịch vụ ca Huế trên sông Hương vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Được biết mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên-Huế có hơn 10.000 suất diễn ca Huế, phục vụ cho hơn 250.000 lượt khách đi nghe ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở dịch vụ du lịch và một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh, tạo thành nét đẹp văn hóa hấp dẫn khách du lịch.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thừa Thiên-Huế, hiện tại lực lượng ca Huế trên sông Hương hiện có tổng số 128 thuyền rồng, trong đó có 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn. Mới đây, Sở VHTT&DL Thừa Thiên-Huế đã cấp thẻ hành nghề hoạt động ca Huế trên địa bàn tỉnh cho gần 500 nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc công tham gia biểu diễn ca Huế. Những nghệ sĩ này là những người đang hoạt động tại Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, giáo viên và sinh viên của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế.
Suốt một thời gian dài ca Huế trên sông Hương có những biểu hiện lộn xộn trong biểu diễn. Theo quy định của Sở GTVT, thuyền rồng đơn hoặc đôi đều chỉ được chở 35 người đã bao gồm chủ thuyền và nghệ sĩ phục vụ, nhưng thực tế vẫn có rất nhiều thuyền có tình trạng nhồi nhét, ghép khách để thu thêm phí.
Vì thế, lần này ra quân siết quản lý hoạt động ca Huế trên sông Hương, UBND tỉnh cho biết: Bắt đầu từ tháng 6, các doanh nghiệp hoặc chủ tàu thuyền hoạt động chở khách du lịch trên sông Hương phải có giấy đăng kiểm, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, bảo hiểm nhân sự, thuyền trưởng phải có bằng lái.
Thời gian tới, theo định kỳ 3 năm/lần, các thuyền sẽ cho lên đà (cho thuyền lên khỏi mặt nước) để kiểm tra phần bên dưới đáy thuyền, đề phòng các bất trắc do thuyền rồng gây ra. Đặc biệt, các bến thuyền rồng phục vụ du lịch tại bến thuyền Thiên Mụ, bến thuyền Lê Lợi và bến thuyền Tòa Khâm trước khi xuất bến để chờ đón khách du lịch phải được kiểm tra giấy chứng nhận đăng kiểm và các giấy tờ liên quan.
Đối với việc nâng cao chất lượng ca Huế trên sông Hương, tỉnh quy định mỗi chương trình ca Huế theo quy định phải dài ít nhất 60 phút trở lên (không kể phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các buổi biểu diễn dành cho khách người nước ngoài); phải có tối thiểu 3 nhạc cụ trong các loại thập lục, tỳ bà, nhị, nguyệt, bầu, sáo.
Chương trình phải có tối thiểu 7 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn; 8 diễn viên và nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi, các loại thuyền du lịch khác và ca Huế thính phòng tại các khách sạn, nhà hàng.
Tỉnh nghiêm cấm tình trạng tranh giành khách, ghép khách dưới mọi hình thức; bán các loại băng, đĩa trái phép khi tham gia biểu diễn ca Huế trên sông Hương; lợi dụng hoạt động ca Huế trên sông Hương làm tổn hại đạo đức, lối sống, làm suy giảm giá trị nghệ thuật ca Huế... Đặc biệt, phải tìm hướng đi mới phù hợp để bảo tồn và phát huy hơn nữa vốn di sản âm nhạc truyền thống quý báu này.