Việc quản lý hoạt động vận tải đưa đón học sinh bằng ô tô hiện chưa có quy định, trong khi còn tồn tại nhiều bất cập cần giải quyết để đảm bảo an toàn trên hết cho trẻ.
Chưa có quy định cụ thể
Chị Thùy Linh (TP Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, con chị học lớp mẫu giáo 4 tuổi ở Trường Mầm non Aiko Montessori. Do trường vừa chuyển địa điểm ra khu vực ngoại thành nên có thêm dịch vụ xe đưa đón học sinh (HS) hàng ngày.
“Sáng 7 giờ 30 xe sẽ đón bé tại nhà và chiều 5 giờ kém 20 sẽ đưa bé về. Phí dịch vụ là 1 triệu đồng/tháng. Tôi cân nhắc đến việc mưa nắng, đưa đón không tiện đường đi làm như ở cơ sở cũ nên đăng ký dịch vụ này. Tuy hàng ngày khi lên xuống xe, vào trường, cô giáo đều chụp ảnh và thông báo cho phụ huynh nhưng gia đình vẫn phải check camera thấy con ở trong lớp mới yên tâm” - chị Linh chia sẻ.
Trên thực tế, không chỉ ở các thành phố lớn mà hiện nay việc đưa đón HS bằng xe tuyến của nhà trường đã trở nên phổ biến ở nhiều địa phương, nhất là với các trường tư thục khi HS đến từ các địa bàn. Vì không bố trí được thời gian, cung đường đi làm nên nhiều gia đình chọn dịch vụ này với sự tin tưởng giáo viên, nhà trường sẽ đưa con đến nơi, về đến chốn. Nhưng từ những vụ việc đau lòng bỏ quên trẻ trên xe đưa đón dẫn đến tử vong cho thấy những lỗ hổng trong việc quản lý loại hình dịch vụ này.
Trên thực tế, xe đưa đón HS có thể do cơ sở giáo dục tự tổ chức hoặc đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện. Ngoài ra, một số cá nhân tự hợp đồng với các phụ huynh nhận đưa đón trẻ đi học. Nhìn chung, các xe đưa đón HS vẫn chưa có tiêu chuẩn riêng mà mới theo xe hợp đồng kinh doanh vận tải. Luật Giao thông đường bộ 2008 chưa quy định tiêu chuẩn riêng cho loại hình xe này. Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô và Thông tư 12/2020 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có phương án kiểm soát đảm bảo không còn hành khách trên xe; xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm an toàn giao thông. Tài xế phải kiểm tra khoang hành khách để bảo đảm không còn hành khách trên xe trước khi rời khỏi xe.
Tuy nhiên, do xe thường là ký hợp đồng với các công ty vận tải nên ngoài việc đưa đón HS, xe còn sử dụng vào nhiều việc khác. Vì vậy, tài xế dễ bỏ qua các bước kiểm tra xe. Chất lượng xe cũng dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, việc đưa đón trẻ cần sớm có quy chuẩn, quy định rõ ràng, phù hợp với thực tế để các trường thực hiện đồng loạt, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.
Cần siết trách nhiệm
Chuyên gia giáo dục, TS Vũ Thu Hương cho rằng, từ năm 2019 khi xảy ra vụ việc tương tự tại Trường Gateway (Hà Nội), đã 5 năm nhưng vẫn chưa có bất kỳ một quy định cụ thể nào về quy chuẩn đưa đón HS.
Các xe đưa đón HS chưa có hình thức nhận dạng riêng, lái xe hầu hết cũng chưa được đào tạo về việc đưa đón HS trong khi công việc này hoàn toàn khác với lái xe chở hàng hóa hay người lớn từ tốc độ đến cách xử lý tình huống trên đường.
Năm 2023, Dự thảo Luật Đường bộ được Bộ GTVT bổ sung quy định cụ thể về hoạt động đưa đón HS bằng ô tô. Trong đó, tập trung vào các quy định về phương tiện và người lái xe với những đặc thù, trách nhiệm khi tổ chức xe đưa đón HS... Cụ thể, một số điểm đáng chú ý là ô tô đưa đón HS phải đáp ứng các yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm. Có thiết bị đến cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn riêng để nhận diện. Ô tô sử dụng để đưa đón HS tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi, hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi HS, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Với lái xe, yêu cầu phải có 2 năm kinh nghiệm lái xe kinh doanh vận tải hành khách. Đặc biệt, dự thảo luật đã quy định trách nhiệm của cơ sở giáo dục, đào tạo trong việc xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý HS nắm vững và thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn khi đưa đón HS.
Trong dự thảo cũng đã quy định cụ thể yêu cầu trước khi HS xuống xe, cả lái xe và người giám sát phải kiểm tra toàn bộ xe xem còn ai hay không. Ngoài ra không bắt buộc tất cả xe đưa đón HS phải dùng màu sơn chung, nhưng cần có các màu sơn đặc trưng để dễ nhận biết. Điều này giúp cơ quan chức năng có thể được quyền ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ.
Một số ý kiến cũng đề xuất việc nhân viên trường học đưa đón, chăm sóc trẻ trên xe cần phải có bằng cấp điều dưỡng, biết sơ cứu kịp thời trong các tình huống bất thường, khẩn cấp, điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho việc đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho trẻ - điều đầu tiên phụ huynh mong muốn khi gửi gắm con để nhà trường chăm sóc, dạy dỗ.