Siết tuyển sinh, mở ngành mới

Lâm An 31/08/2023 06:51

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho thấy, có những trường trong vòng 3 năm mở mới tới 27 ngành. Có những ngành thời điểm mới mở thì đủ điều kiện nhưng sau một thời gian thì không còn đảm bảo.

Những sai phạm trong tuyển sinh đại học (ĐH), mở ngành mới thời gian qua đã được Bộ GDĐT công khai cũng như có chế tài xử lý như xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời gian quy định là 5 năm… Cụ thể, theo ông Nguyễn Đức Cường - Chánh Thanh tra Bộ GDĐT, năm 2022 và 9 tháng đầu năm 2023, Thanh tra Bộ đã ban hành 95 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 95 lượt cơ sở giáo dục ĐH với tổng số tiền phạt trên 3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với năm 2021. Được biết, năm 2021 chỉ có 28 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Các hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, mở ngành đào tạo. Theo đó, một số trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định. Có trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn thực hiện tự chủ mở ngành đào tạo hoặc chưa đảm bảo điều kiện mở ngành nhưng vẫn mở ngành.

Trao đổi về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Mậu Bành - Chủ tịch Hội Cựu Giáo chức Việt Nam cho rằng, việc thanh kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục ĐH cần được thực hiện thường xuyên, quyết liệt hơn nữa, bởi như báo cáo của Bộ GDĐT đã chỉ ra, có những ngành mở mới, ban đầu đủ điều kiện nhưng sau đó lại không đảm bảo. Khi đó, sẽ rất thiệt thòi cho người học đã tin tưởng nộp hồ sơ theo học nhưng có nguy cơ đứt gánh giữa chừng. Việc cấp phép cho các ngành học mới không chỉ là đảm bảo các điều kiện về thủ tục giấy tờ mà còn phải sát sao cụ thể về mặt con người, đội ngũ thực thi.

GS Nguyễn Đức Chính (nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, mở ngành là chức năng, quyền và nghĩa vụ của cơ sở giáo dục ĐH. Trước khi mở ngành, cơ sở đào tạo có nghĩa vụ đảm bảo chất lượng đào tạo trong đó điều kiện tiên quyết, quan trọng nhất để mở ngành mới là chương trình đào tạo. “Ở đây vai trò kiểm soát các điều kiện đảm bảo chất lượng việc mở ngành mới của cơ quan quản lý nhà nước mang tính quyết định” - GS Chính nhấn mạnh.

Riêng đối với chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm, các trường đã công khai trong đề án song từ thực tế tuyển sinh những năm gần đây cho thấy, không phải tất cả các trường đều tuân thủ theo đúng đề án đã công bố trước đó về tổng chỉ tiêu đặt ra, phương án tuyển sinh và chỉ tiêu dự kiến theo từng phương án. Một số cơ sở đào tạo đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2022 như Trường ĐH FPT, Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội, Trường ĐH Nguyễn Trãi… đã bị xử phạt. Tuy nhiên, theo Chánh Thanh tra Bộ GDĐT hàng năm, Bộ đều xây dựng kế hoạch và lựa chọn một số cơ sở đào tạo để kiểm tra về công tác tuyển sinh, kịp thời phát hiện vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật. Việc kiểm tra chưa toàn diện và rộng khắp với tất cả các cơ sở đào tạo theo nhiều chuyên gia có thể khiến bỏ sót những trường hợp vi phạm. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với ngành giáo dục, nhất là trong giai đoạn đẩy mạnh cơ chế tự chủ hiện nay, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có tăng cường nguồn nhân lực để đảm bảo đủ lực lượng thực hiện công tác thanh, kiểm tra. Hiện có 34/63 sở chưa bố trí đủ 5 công chức làm công tác thanh tra theo quy định của Chính phủ. 8 sở chưa bổ nhiệm chánh thanh tra sở; 38 cán bộ thanh tra sở chưa được bổ nhiệm ngạch thanh tra…

Với mùa tuyển sinh 2023, thời điểm này các trường vẫn đang làm thủ tục nhập học cho thí sinh đồng thời những trường còn thiếu đang thực hiện xét tuyển bổ sung, trong đó có những trường thông báo xét tuyển bổ sung tới hàng nghìn chỉ tiêu. Theo kế hoạch tới ngày 31/12 mới kết thúc tuyển sinh song ngay từ bây giờ, các trường cần cân đối nguồn tuyển cũng như chỉ tiêu xét tuyển để vừa đảm bảo không thiếu hụt thí sinh nhưng cũng không tuyển sinh bằng mọi giá để đảm bảo chất lượng đầu vào, từ đó bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Siết tuyển sinh, mở ngành mới