Siêu bão Ian đã đi qua nước Mỹ và kết thúc, nhưng những gì nó gây ra cho người Mỹ là không thể đo đếm. Đó không chỉ là tổn thất về vật chất mà còn là sự tổn hại về sức khỏe tâm thần lâu dài. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng, từ 1/3 đến một nửa số người sống sót sau thảm họa sẽ gặp phải một loại tổn thương về tinh thần.
Bão Ian tấn công Florida với sức mạnh đến mức quét sạch toàn bộ khu vực lân cận, hất tung tàu thuyền lên đường cao tốc, cuốn trôi các bãi biển và nhà cửa trong vùng nước sâu. Cơn bão đã khiến khoảng 100 người thiệt mạng, phần lớn nạn nhân ở Florida, khiến nó trở thành cơn bão gây tử vong nhiều thứ 3 đổ bộ vào đất liền nước Mỹ trong thế kỷ này. Thậm chí một tuần sau khi Ian đi qua, các quan chức cảnh báo rằng, vẫn có thể tìm thấy nhiều nạn nhân nữa khi họ tiếp tục tìm kiếm và kiểm tra thiệt hại. Cơn bão đã đánh sập nguồn điện phục vụ 2,6 triệu người và gây thiệt hại hàng tỷ USD.
1. Alice Pujols, một cư dân Mỹ chưa hết bàng hoàng khi nhà của cô bị cơn bão “nuốt chửng”, tất cả đồ đạc bị biến thành rác bởi cơn bão Ian. Cô lặng lẽ nhặt đống quần áo sũng nước, đồ chơi và những vật dụng bị cuốn trôi, chất đống bên ngoài nhà của một người lạ. Alice đang tìm cách vớt vát những thứ còn lại cho 4 đứa con và bản thân. “Tôi đang cố gắng vượt qua sự mất mát. Đó là tất cả những gì tôi có thể làm trong lúc này. Nó thực sự rất buồn” - Alice tuyệt vọng nói.
Giám định viên y tế ở Lee County, nơi Ian đổ bộ lần đầu tiên ở Tây Nam Florida cho biết, đối với những người mất tất cả mọi thứ vì một thảm họa thiên nhiên và ngay cả với những người được cứu sống, nỗi đau có thể đè bẹp họ khi trở về nhà và thấy rất nhiều thứ đã biến mất. Đau buồn có thể khiến chúng ta rơi nước mắt trong cảm giác tuyệt vọng. Thậm chí, 2 người đàn ông ở độ tuổi 70 đã tự kết liễu đời mình trước sự mất mát quá lớn bởi cơn bão.
Những tổn thất về tinh thần có thể kéo dài hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng sau một cơn bão, trận lũ lụt hoặc cháy rừng. Trong khi các nhu cầu cấp bách hơn về thức ăn, chỗ ở và quần áo thường được ưu tiên tìm kiếm tư vấn, bởi nó vốn luôn thiếu hụt ngay cả trong thời điểm thuận lợi.
Ông Beth Hatch - Giám đốc Điều hành của Collier County, Florida, Mỹ, chi nhánh của Liên minh Quốc gia về Bệnh Tâm thần, cho biết: “Khi ai đó rơi vào tình trạng tổn thương, họ sẽ không biết bắt đầu từ đâu. Họ cần những cái nắm tay và biết rằng, có rất nhiều người ở đây để giúp họ".
Theo bà Jennifer Horney - Giáo sư Dịch tễ học tại Đại học Delaware, người nghiên cứu tác động của thảm họa thiên nhiên đối với sức khỏe cộng đồng, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, từ 1/3 đến một nửa số người sống sót sau thảm họa sẽ phát triển một loại tổn thương về tinh thần. Những người bị tổn thương có nguy cơ gặp các tình trạng như: rối loạn căng thẳng sau chấn thương, trầm cảm và lo lắng gia tăng cùng với lạm dụng chất kích thích, làm trầm trọng thêm tình trạng tâm thần.
Nhiều sự trợ giúp đã sẵn sàng khi các nguồn lực bổ sung được gửi đến khu vực. Bang Florida đã thành lập các trung tâm hỗ trợ và chính phủ liên bang có đường dây trợ giúp về tình trạng thảm họa 24/24 để cung cấp dịch vụ tư vấn và hỗ trợ khủng hoảng. Tuy nhiên, phần lớn mọi người vẫn đang đánh giá thiệt hại, cố gắng vớt vát và làm khô những tài sản còn sử dụng được và dọn dẹp những thứ không thể cứu vãn vào những đống rác ngày càng lớn bên đường.
2. Sống sót qua một cơn bão chết người với những cơn gió gào thét, hoặc trốn thoát khi nguy hiểm ập đến là điều đáng sợ và đau thương, Mao Lin đã đi bộ một giờ để trở về khu phố nơi cô đã sống trên bãi biển Fort Myers và cô tuyệt vọng khi thấy nó đã biến mất. “Toàn bộ con phố không còn gì cả. Chúng tôi không còn nhà, không còn ô tô, không còn bất cứ thứ gì” - Mao Lin nói trong đau khổ.
Trong những ngày gần đây, số lượng cuộc gọi tới tổ chức của ông Hatch đã tăng gấp đôi khi mọi người nhận ra rằng, họ không thể xây dựng lại cuộc sống và vượt qua chấn thương một mình. Tuy nhiên, việc dọn dẹp đống hỗn độn của một ngôi nhà bị hư hại hoặc tìm một ngôi nhà mới sau thảm họa sẽ nhường chỗ cho những thách thức lâu dài hơn trong việc điều hướng của bộ máy hành chính để được hỗ trợ tài chính, đảm bảo giấy phép xây dựng lại hoặc làm việc với các công ty bảo hiểm về khoản bồi hoàn.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Can thiệp khủng hoảng và Phòng chống tự tử, Giáo sư Horney đã nghiên cứu tỷ lệ tự tử ở các quận từng trải qua thảm họa từ năm 2003-2015. Bà và các đồng nghiệp nhận thấy, số vụ tự tử tăng 23% khi so sánh khoảng thời gian 3 năm trước khi một thảm họa xảy ra với 3 năm sau thảm họa.
Giáo sư cho biết, vụ tự sát của những người đàn ông 70 tuổi không phải là điển hình ngay sau một sự kiện thảm khốc. “Đó thực sự là những vấn đề sức khỏe tâm thần đã tồn tại lâu dài, trở nên trầm trọng hơn do thảm họa gây ra và sau đó theo thời gian có xu hướng dẫn đến những hệ quả nghiêm trọng hơn như tự sát” - bà Horney nói.
Sau hậu quả của một thảm họa, các cộng đồng thường kêu gọi cùng nhau khôi phục và xây dựng lại cuộc sống. Lực lượng cứu hộ, nhân viên cứu trợ và các tổ chức phi lợi nhuận cung cấp thực phẩm, tài trợ tài chính và các trợ giúp khác như tư vấn. Nhưng sự quan tâm cuối cùng cũng ít dần và tiền cạn dần. Các quỹ khẩn cấp dành cho sức khỏe tâm thần đôi khi hết hạn ngay sau 2 tháng và kéo dài không quá một năm.
Bà Horney cho biết, việc các thảm họa ngày càng trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu, có thể có tác động tích lũy đến sức khỏe tâm thần. Do đó, nghiên cứu của Giáo sư Horney cũng kêu gọi thêm tài trợ để khắc phục những thiệt hại có thể cảm nhận được nhưng không thể nhìn thấy được.
Theo bà Horney - Giáo sư Dịch tễ học tại Đại học Delaware, hầu hết các tác động cảm xúc của một thảm họa chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, khoảng 6 tháng đến 1 năm, nhưng chúng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu tiếp theo là một thảm họa khác ập tới. Con người sẽ rơi vào chu kỳ gia tăng tác động đến sức khỏe tâm thần. Càng phải hứng chịu nhiều thảm họa thì tác động lên sức khỏe tâm thần càng mạnh.