Dù các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn sim rác, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã kiên quyết vào cuộc với mục tiêu làm sạch thông tin thuê bao, nhằm hạn chế tình trạng tận dụng các sim rác để lừa đảo người tiêu dùng... thế nhưng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, việc chuyển nhượng sim điện thoại vẫn hoạt động rất nhộn nhịp.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phạm Đức Long cho biết, tình trạng đứng tên hộ để đăng ký thông tin thuê bao hiện còn nhiều. Theo quy định, mỗi người chỉ đăng ký được 3 sim nhưng nhiều người nghĩ đơn giản chỉ là đứng hộ tên, chứ không biết rằng mình đã vô tình tạo ra sim rác. Dù qua kiểm tra, đối soát với cơ sở dữ liệu dân cư đều là người thật, tên thật, địa chỉ thật nhưng sau đó, sim lại được bán cho người khác.
Dễ dàng tìm mua sim rác
Các đợt thanh tra gần đây cho thấy tình trạng đứng tên hộ sim chủ yếu liên quan các đại lý. Bộ TTTT đã làm việc với các nhà mạng, yêu cầu chấn chỉnh việc này, từ ngày 10/9 vừa qua các nhà mạng cam kết dừng hoạt động đại lý phát triển thuê bao, chỉ tập trung vào kênh chuỗi có uy tín. Nhà mạng nào vi phạm, bộ sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 14/2022 - đình chỉ doanh nghiệp phát triển thuê bao từ 3 - 12 tháng, tùy theo mức độ vi phạm.
Vậy nhưng kể từ sau ngày 10/9, nhiều người tiêu dùng vẫn dễ dàng tìm mua được sim rác trên thị trường.
Chiều 23/9, chị Hồ Phan Quỳnh Anh vừa từ Hà Lan về Việt Nam đã đặt ra thắc mắc với phóng viên: Sim điện thoại mà các cửa hàng ở phố cổ bán cho du khách nước ngoài có gọi là sim rác? Bỏ ra 250.000 - 300.000 đồng đến các cửa hàng nhỏ ở phố cổ Hà Nội vẫn có thể mua sim điện thoại, không cần đăng ký gì?
Thật vậy, tại các cửa hàng phụ kiện điện thoại ở phố Hàng Đào, khu vực đi bộ quanh Hồ Gươm – quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, giao dịch, mua bán sim đã kích hoạt diễn ra khá dễ dàng. Chủ một cửa hàng chuyên bán thiết bị điện thoại, ốp điện thoại ở phố Hàng Ngang, cho biết: “Những sim này bọn em đã đăng ký và kích hoạt rồi. Nghe gọi vô tư”.
Tuy nhiên, theo chủ một đại lý sim thẻ trên đường ở phố Hồng Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cửa hàng có giấy phép kinh doanh, với ngành nghề là buôn bán thiết bị viễn thông, sim, thẻ điện thoại… thì, toàn bộ sim ở đây đều chưa kích hoạt, khách mua phải xuất trình chứng minh nhân dân hay căn cước công dân mới được giao dịch. Song chủ đại lý cũng bật mí nếu muốn mua sim rác thì vẫn có thể bán.
Căn cước công dân là một trong những giấy tờ cần thiết và quan trọng khi mua sim điện thoại tại bất cứ nhà mạng nào. Tuy nhiên, nhiều người dùng cho biết vẫn có thể mua sim mà không cần giấy tờ này.
Có nhu cầu mua sim điện thoại cho mẹ để tiện liên lạc trong ít hôm mẹ về quê, chị Quỳnh Hoa (Tổ 9 – phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) kể, khi ra cửa hàng mua bán điện thoại cũ gần nhà được chủ quán giới thiệu: “Chị không cần phải cung cấp thông tin gì cả, tất cả các sim này đều đã được hoàn tất công đoạn đăng ký, mua về là dùng luôn. Giá sim đã đăng ký là 150.000 đồng/sim đối với VinaPhone, Viettel và 120.000 đồng/sim đối với MobiFone. “Giờ cơ quan nhà nước quản lý chặt nên sim được kích hoạt đã được đăng ký dưới tên người khác. Nếu duy trì sử dụng, nghe, gọi thường xuyên, khách hàng không cần quá lo lắng về việc sim bị khoá. Chưa kể chị chỉ cần sử dụng có vài hôm thì không vấn đề gì”- chị Hoa kể lại lời của chủ cửa hàng.
Không chỉ bán ở các cửa hàng, sim không chính chủ còn được rao bán tràn lan trên mạng. Chỉ cần gõ từ khoá mua sim rác” lập tức hàng chục địa chỉ web giới thiệu: Sim Viettel gọi, nghe giá rẻ; Sim Vietnammobile chuyên tạo tài khoản facebook, zalo; Sim 4G Vietnamobile số đẹp vào mạng thả ga...
Một shop trên sàn Lazada giới thiệu sim nhà mạng Vietnamobile đã kích hoạt sẵn, giá chỉ 26.000 đồng, với gói ưu đãi “khủng” như: có 5G data/ngày, nghe gọi miễn phí trong 20 ngày đầu… Hay sim nhà mạng Mobifone có giá chỉ 90.000 đồng với hàng loạt gói cước như có 4G data/ngày, nghe gọi miễn phí…
Thống kê cho thấy, trong số 1,5 triệu sim được bán ra thị trường gần đây, có tới 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 10% được bán trực tiếp từ nhà mạng qua các cửa hàng giao dịch và 10% qua kênh chuỗi gồm các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn. Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều sim không chính chủ nhất.
Nhiều ý kiến đánh giá rằng, thị trường sim hiện nay còn tồn tại các vấn đề như: Bán sim đã được kích hoạt sẵn, nhiều thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ, một số doanh nghiệp còn để xảy ra tình trạng nhân viên sử dụng thông tin cá nhân hoặc thông tin của người khác để đăng ký thuê bao, sử dụng hồ sơ đăng ký thuê bao lần đầu để kích hoạt thêm sim cho người sử dụng.
Cuộc gọi rác hành hạ
Dù việc chuẩn hóa thông tin đã được triển khai nhưng các cuộc gọi rác, lừa đảo vẫn liên tục diễn ra. Nhiều người tiêu dùng cho biết, số cuộc gọi họ nhận được để quảng cáo mua bán căn hộ, bán gói nghỉ dưỡng... vẫn tràn lan mỗi ngày.
Ghi nhận từ Cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam cho thấy, năm 2022 có 13.000 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với hai loại hình chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân, 24,4%, là bước đệm để "lên kịch bản" thực hiện lừa đảo tài chính, chiếm 75,6%. Cho đến 6 tháng đầu năm nay, số vụ lừa đảo trực tuyến tăng 65% so cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ bị làm phiền, thậm chí khi chủ thuê bao có phản ứng với các cuộc gọi lừa đảo còn bị đối tượng có thái độ xúc phạm. Điều này khiến không ít người cảm thấy bức xúc, hoang mang. Dù rất ít nghe điện thoại từ số lạ nhưng chị Hoàng Hồng Hạnh (ở Đình Thôn, Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết: Thông thường một ngày tôi nhận được vài cuộc gọi, giới thiệu đến từ công ty du lịch A, người giới thiệu trải nghiệm mỹ phẩm, trải nghiệm sản phẩm ngũ cốc, người mời đi làm đẹp, rồi cả hỏi thuê nhà thuê đất. Thậm chí, còn cả các cuộc gọi giới thiệu dịch vụ tự động qua tổng đài…
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, sau một ngày đi làm mệt mỏi chị vừa nghỉ ngơi thì điện thoại có hiện tên các đầu gọi như Q. NGA, THU HIỀN… tưởng chừng như của người quen thì mở máy nghe mới biết, là cuộc gọi quảng cáo bán hàng của công ty du lịch, của hãng mỹ phẩm. “Không biết người ta lấy đâu ra số của tôi nhưng nhiều khi, vừa nghe họ giới thiệu mình đã từ chối mà họ vẫn cố nói, thậm chí mình còn bị mắng, rất bực mình” – chị Hoài bức bối.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TTTT), cho biết thực tế, tin nhắn rác, cuộc gọi rác có thể bị phát tán từ cả các thuê bao chính chủ và các thuê bao không chính chủ. Để ngăn chặn các thuê bao không chính chủ, thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động đã triển khai các biện pháp eKYC (xác thực điện tử), video call (xác thực qua video) nhằm bảo đảm thuê bao phát triển mới phải đúng là có thực. Các thuê bao này phải trùng khớp giữa thông tin của người đến đăng ký với thông tin trên giấy tờ, từ đó hạn chế tối đa tình trạng thông tin thuê bao không chính xác.
Ngoài ra, nhà chức trách cũng đã yêu cầu các DN viễn thông loại bỏ 12,5 triệu sim không chính chủ trên hệ thống. Đây là các sim mà chủ thuê bao không tiến hành cập nhật, chuẩn hóa lại thông tin dù đã quá hạn.
Để ngăn chặn tình trạng phát tán cuộc gọi rác, Cục Viễn thông cho rằng cần có sự chủ động vào cuộc của cơ quan, tổ chức có liên quan và chính người dân. Theo đó, các cơ quan, tổ chức như trường học, ngân hàng, bệnh viện cần chủ động phổ biến các số điện thoại và kênh liên lạc chính thống đến người sử dụng. Bộ Công thương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng cần có các biện pháp xử lý, ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị cung ứng dịch vụ, sản phẩm khi thực hiện quảng cáo qua các kênh không được phép.
Các tin nhắn, cuộc gọi rác, lừa đảo không chỉ ảnh hưởng đến người nghe, mà còn đe dọa đến sự riêng tư và an ninh của người sử dụng. Theo các chuyên gia, nếu nhận ra cuộc gọi rác, người dân nên ngắt cuộc gọi để tránh mất thời gian hoặc nhận được thái độ, cư xử thiếu văn hóa. Điều này cũng giúp giảm việc tiếp xúc với kẻ có ý đồ xấu, hạn chế nguy cơ bị dẫn dụ vào nhóm lừa đảo, thao túng tâm lý, gây thiệt hại về tài chính và dữ liệu cá nhân.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Văn phòng Luật sư Đồng đội nhận định, tình trạng sim điện thoại không chính chủ là một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc gọi quảng cáo, lừa đảo, đe dọa... Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, hoạt động mua bán sim rác vẫn diễn ra, thuê bao điện thoại có đầy đủ thông tin cá nhân nhưng không do chính chủ sử dụng. Có những DN đứng tên đăng ký sở hữu hàng nghìn sim nhưng không rõ mục đích sử dụng, không phù hợp với nhu cầu thực tế hoặc so với số lượng nhân viên hiện có. Cùng với đó, còn có tình trạng đối tượng thuê sinh viên, lao động tự do,… đứng tên đăng ký hàng loạt sim. Đây đều là những hành vi vi phạm pháp luật.
“Trong trường hợp cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán, sử dụng sim có dấu hiệu vi phạm thì căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi, có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính đối với 3 đối tượng: doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông di động; tổ chức, đơn vị bán sim và người mua sim” – Luật Sư Trần Xuân Tiền cho biết.
Thống kê cho thấy, trong số 1,5 triệu sim được bán ra thị trường gần đây, có tới 80% phát hành qua kênh đại lý ủy quyền của nhà mạng, 10% được bán trực tiếp từ nhà mạng qua các cửa hàng giao dịch và 10% qua kênh chuỗi gồm các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn.
Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều sim không chính chủ nhất. Do đó, việc tăng cường quản lý, kiểm tra, thậm chí xử phạt nặng nhằm thực hiện đúng quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông là điều cần làm ngay, góp phần chấn chỉnh, xóa bỏ tình trạng sim rác quấy nhiễu người dùng trong thời gian qua.
Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty an ninh mạng NCS:
Mạnh tay chấm dứt các cuộc gọi rác
Mặc dù việc siết chặt và xử lý sim rác được đẩy mạnh trong thời gian qua, nhưng các cuộc gọi rác như quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu, mời chào sản phẩm dịch vụ... vẫn không giảm. Nguyên nhân, đây là loại hình không cần che giấu thông tin, thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ. Điển hình là các cuộc gọi mời đầu tư chứng khoán, bất động sản, du lịch... Để chấm dứt cuộc gọi rác, các cơ quan quản lý cần tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát, mạnh tay xử phạt các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác theo Nghị định 91/2020, đồng thời tiến hành xử phạt các vi phạm liên quan đến việc để lộ, lọt dữ liệu người dùng theo quy định của Nghị định 13/2023…