Thời gian gần đây, dư luận nóng lên xung quanh việc chính quyền ở 2 xã Lũng Hòa và Bình Dương huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc ép người dân đóng từ 2- 4 triệu đồng khi sinh con thứ 3 trở lên. Việc làm trái khoáy này đang gây ra nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Nộp phạt để có giấy khai sinh.
Người lớn “cãi nhau”, con trẻ thiệt thòi
Có mặt tại nhà chị Khổng Thị Đông ở xã Lũng Hòa, chúng tôi ghi nhận hoàn cảnh khó khăn cũng như thiệt thòi của gia đình vừa sinh con thứ 3 này. Chị Đông cho biết, tháng 8 năm 2015, vợ chồng chị sinh cháu gái thứ 3. Khi đó, chị lên UBND xã xin giấy khai sinh thì chính quyền xã cho biết, trường hợp của chị phải nộp 2 triệu đồng mới được cấp giấy. Do hoàn cảnh khó khăn không có đủ tiền để đóng.
Chị Đông chia sẻ: “Thôi thì xã không cấp mình đành chịu. Khổ một nỗi con gái chị thường xuyên bị viêm phổi, viêm tai, đường ruột... Tháng nào gia đình cũng phải đưa cháu đi điều trị, có tháng phải nằm viện đến 10- 15 ngày, rất tốn kém. Nhưng do gia đình chị khi đó chưa có giấy khai sinh nên cũng không có bảo hiểm y tế, chi phí rất tốn kém, của cải trong nhà cũng đội nón ra đi. Căn nhà đang xây dựng dở đành phải gác lại.
Cách nhà chị Đông không xa, gia đình đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Văn Truyền và Đường Thị Khuyên cũng vô cùng khó khăn. Trong căn nhà cấp 4 tuyềnh toàng, đôi vợ chồng trẻ chỉ mới 30 tuổi, nhưng họ đã có 3 người con. Cậu con trai út Nguyễn Văn Minh, sinh năm 2014 nhưng còi cọc hơn hẳn các bạn cùng trang lứa.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Khuyên cho biết: “Tôi sinh con thứ 3 vào ngày 20/7/2014, lên xã làm giấy khai sinh, được yêu cầu nộp 2 triệu. Gia đình tôi nghèo không có tiền nộp nên 2 năm nay con tôi không có giấy khai sinh. Vì thế cháu cũng không có thẻ BHYT để đi khám chữa bệnh. Chồng tôi làm thợ xây, tôi làm phụ hồ nhưng khi con cái ốm đau thì tôi phải nghỉ chỉ mình chồng đi làm nên cuộc sống rất khó khăn. Mọi thứ chi tiêu trông hết vào hơn 100.000 đồng/ngày công của chồng nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm đều.
Được biết, ngày 6/4/2014 trước sự bức xúc của nhiều người dân địa phương, bé Nguyễn Văn Minh con chị Khuyên đã được cấp giấy khai sinh sau 2 năm sinh ra nhưng vẫn chưa có thẻ BHYT. Gia đình khó khăn, cùng với việc không được hưởng quyền chăm sóc y tế chu đáo nên dù đã 2 tuổi Minh chỉ nặng có 8kg, nhỏ bé hơn rất nhiều với đám trẻ đồng trang lứa.
Không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của trẻ em, theo người dân nơi đây, việc trẻ không được cấp giấy khai sinh còn ảnh hưởng đến cả quyền lợi của người lớn. Nhiều ông bố, bà mẹ làm việc trong các cơ quan, DN cũng không hoàn thiện được hồ sơ hưởng chế độ thai sản vì không có giấy khai sinh của con.
Sẽ xử lý cán bộ vi phạm?
Được biết, số tiền mà xã Lũng Hòa thu được từ các trường hợp sinh con thứ 3 trở lên là trên 170 triệu đồng, của xã Bình Dương là gần 300 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền này đã được xử lý như thế nào? Hiện chưa được làm rõ.
Ông Nguyễn Hồng Lai, Chủ tịch UBND xã Lũng Hòa cho biết, để thực hiện chính sách, UBND xã đã có một văn bản giao cho trạm y tế chủ trì thu tiền các hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên. Cách thu là xã sẽ vận động người dân tự nguyện đóng góp. Số tiền sẽ được nộp về kho bạc nhà nước và đưa vào Quỹ Dân số.
Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, xã đã ép các hộ này đóng từ 2 đến 4 triệu đồng (nếu không thì không làm giấy khai sinh). Theo thống kê của người dân xã Lũng Hòa, từ tháng 7 năm 2014 đến nay, toàn xã có khoảng 117 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Trong số này có 83 trường hợp đã đóng tiền. Nhưng số tiền khi xã thu lại ghi là “vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình”. Trong khi hiện nay, pháp luật không có bất cứ quy định nào về xử phạt hành vi này.
Sau khi sự việc bị vỡ lở, vào tháng 4 vừa qua, chính quyền xã đã đồng loạt cấp giấy khai sinh cho các cháu sinh từ 2014 trở lại đây dù đã đóng tiền hay chưa đóng tiền. Thế nhưng một vấn đề đặt ra là hàng trăm hộ dân bị ép đóng 2 triệu đồng suốt từ 2014 đến nay sẽ được xử lý như thế nào?
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nhung, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho biết, hiện UBND huyện đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành do Phòng Y tế làm thường trực để kiểm tra, làm rõ đúng sai. Trước đây, UBND huyện có chỉ đạo các xã rà soát, vận động những hộ gia đình chưa đăng ký khai sinh ra UBND xã để được làm giấy, đồng thời với các trường hợp cụ thể, vướng mắc báo cáo về huyện để xử lý. Còn về vấn đề đóng quỹ dân số, trước hết phải nói đây là một chủ trương lớn của huyện nhằm tuyên truyền vận động người dân giảm tỷ lệ sinh. Tuy nhiên với pháp luật hiện hành thì không thể ép buộc đóng quỹ mà chỉ có thể vận động ủng hộ. Qua khảo sát, chính quyền huyện Vĩnh Tường nhận thấy đã có nhiều hộ tự nhận thức được vấn đề, thấy được những khó khăn và ảnh hưởng tới phúc lợi xã hội khi sinh con thứ 3 nên đã tự nguyện ký giấy đóng vào quỹ. Còn với các hộ bị ép đóng tiền mà không ký vào cam kết, huyện cũng sẽ tuyên truyền vận động cho họ hiểu và tự nguyện tham gia đóng góp. Nếu không sẽ có buổi ngồi lại làm việc tìm cách tháo gỡ.
Chia sẻ về vấn đề xử lý các cán bộ vi phạm, bà Nguyễn Thị Nhung nói: “Sẽ có phê bình. Thật ra vấn đề dân số ở các địa phương đó cũng thực sự bức xúc”.