Sinh kế cho lao động mất việc

LÊ ANH 31/07/2023 07:30

Dù các doanh nghiệp đã có thêm đơn hàng và dần đi vào ổn định sản xuất, thế nhưng việc phải giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ thất nghiệp cho hàng chục nghìn lao động mất việc kể từ đầu năm 2023 cũng đã khiến TPHCM gặp nhiều khó khăn.

Công nhân, người lao động tìm hiểu cơ hội việc làm mới tại Ngày hội việc làm Khu công nghệ cao TPHCM lần 1 năm 2023.

Trong đợt cắt giảm gần 6.000 lao động của Công ty TNHH PouYuen, quận Bình Tân (TPHCM) do gặp khó khăn thiếu đơn hàng, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã phối hợp với Công đoàn Công ty PouYuen thực hiện khảo sát nguyện vọng việc làm, đào tạo nghề của người lao động. Số việc làm mới do 16 doanh nghiệp (DN) thuộc các lĩnh vực may mặc, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ ăn uống, lễ tân, bảo vệ,... liên hệ với Trung tâm để khai thác từ nguồn lao động mất việc.

Dù vậy, chỉ khoảng gần 5.000 vị trí việc làm được giới thiệu, trong khi tỷ lệ lao động mới được tuyển dụng sau phỏng vấn còn phải phụ thuộc vào nhu cầu thực sự của các DN. Trước đó, ảnh hưởng của sụt giảm kinh tế toàn cầu cũng đã khiến công ty PouYuen phải thực hiện đợt cắt giảm gần 2.500 lao động từ tháng 2 năm nay.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM cho biết, vào đợt này Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM đã phối hợp để tư vấn, giới thiệu việc làm mới cho khoảng 2.247/2.358 lao động. Ngoài ra, có khoảng 1.600 lao động mất việc có nguyện vọng được hưởng trợ cấp tại các tỉnh nơi họ sinh sống, chỉ có khoảng gần 50 lao động có nhu cầu tìm việc làm mới.

Tương tự, ảnh hưởng của đợt cắt giảm gần 1.200 công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) cũng đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý hoạt động kinh doanh, sản xuất của các DN sản xuất giày da xuất khẩu tại các khu chế xuất, khu công nghiệp lớn của TPHCM. Cũng như Công ty PouYuen, việc thiếu đơn hàng liên tục kéo dài từ cuối năm 2022 đã khiến công ty Tỷ Hùng buộc phải đi đến quyết định cắt giảm lao động để duy trì hoạt động. Số lao động vừa mất việc cũng chật vật để tìm kiếm một đơn vị sản xuất cùng ngành nghề do hầu hết các công ty đều chung tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu, buộc phải ưu tiên thu hẹp sản xuất.

Theo ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở LĐTBXH TPHCM, tình hình thiếu đơn hàng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thành phố vẫn đang theo dõi chặt chẽ, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tiếp cận các DN vừa cắt giảm công nhân, lao động để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời kết nối họ với các DN đang có nhu cầu tuyển dụng vị trí việc làm mới.

Cũng theo ông Thinh, điểm sáng trong lĩnh vực lao động trong 6 tháng cuối năm chính là thị trường xuất khẩu lao động. Khảo sát mới nhất cho thấy dấu hiệu khởi sắc khi lao động Việt Nam xuất khẩu tại các nước (Nhật Bản, Hàn Quốc,…) tăng hơn 1.000 trường hợp với cùng kỳ năm trước. Trong khi khối các DN sản xuất và xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng suy thoái toàn cầu và thiếu đơn hàng.

Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, nhu cầu lao động, việc làm trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Cụ thể, xét về cơ cấu ngành, nhu cầu nhân lực ở khu vực thương mại, dịch vụ chiếm tỷ lệ lên tới gần 65% tổng nhu cầu nhân lực trong 2 quý cuối năm nay. Tiếp đến là nhu cầu việc làm trong các khu vực công nghiệp xây dựng (34,6%) và khu vực nông - lâm - thủy sản (chỉ khoảng 0,81%).

Hiện nay, ngoài các hoạt động kết nối cung - cầu lao động trực tiếp thì Sở LĐTBXH TPHCM và các đơn vị đang phối hợp tổ chức thường xuyên các sàn giao dịch việc làm trực tuyến, trong đó tập trung giới thiệu việc làm cho lao động vừa mất việc, thanh niên chưa có việc làm, quân nhân xuất ngũ, nhân lực ngành du lịch mất việc làm.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM, HĐND TPHCM đã thông qua một số Nghị quyết cụ thể hóa Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trong đó thông qua Nghị quyết mới về Chương trình Giảm nghèo bền vững tại TPHCM giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết mới cho phép UBND TPHCM chủ động giao các quận, huyện và TP Thủ Đức thực hiện các hỗ trợ kịp thời cho phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ cho công nhân, lao động vừa mất việc (theo từng giai đoạn). Kinh phí cho các chương trình lấy từ nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách thành phố, ngân sách quận, huyện, TP Thủ Đức (bao gồm nguồn vốn đầu tư công và nguồn chi thường xuyên).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh kế cho lao động mất việc