Trong một báo cáo được công bố hôm 16/9, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên ( WWF) đã cảnh báo rằng việc đánh bắt quá độ, môi trường ô nhiễm và biến đổi khí hậu là những nhân tố chính khiến số lượng cư dân đại dương giảm nhanh chóng trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 2010.
Cá - nguồn thực phẩm quan trọng của con người
đang có tốc độ suy giảm nhanh nhất. (Nguồn: WWF).
Báo cáo mang tên “Hành tinh xanh” của WWF cũng chỉ ra rằng, một số chủng loại sinh vật biển vốn đóng góp phần lớn thực phẩm cho nhân loại lại đang có mức giảm mạnh nhất. Theo đó, một họ cá gồm các loại cá được chế biến thành thực phẩm phổ biến cho con người như cá ngừ và cá thu, đã giảm đến 74% về số lượng chỉ trong vòng 40 năm qua.
“Chỉ trong vòng một thế hệ, các hoạt động của loài người đã gây tổn thất nghiêm trọng cho các đại dương do cách đánh bắt cá quá độ, vượt qua mức độ sinh sản của nhiều loài, trong khi lại hủy hoại môi trường sống của chúng” – ông Marco Lambertini, Chủ tịch WWF, nói trong một tuyên bố.
Ông cũng cảnh báo rằng việc đánh bắt quá độ, hủy diệt môi trường biển và biến đổi khí hậu đã gây nên những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho toàn thể nhân loại, và do đó cộng đồng những người nghèo khó nhất vốn sống phụ thuộc vào nguồn lợi từ biển bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Bên cạnh đó, cá không phải là chủng loài duy nhất đang suy giảm về số lượng. Báo cáo của WWF còn cho thấy sự suy giảm mạnh của các bãi san hô, cây đước và rong biển – các loài hỗ trợ môi trường sống của vô số chủng loài cá – với mức giảm đến 1/3. Được biết có đến 850 triệu người trên khắp thế giới đang sống dựa vào các nguồn lợi đến từ các chủng loài này.
Một báo cáo trước đó của WWF còn cho thấy hơn một nửa các chủng loại san hô đã biến mất, và sẽ biến mất hoàn toàn trong năm 2050 nếu như nhiệt độ cứ tiếp tục tăng nhanh như hiện nay.
WWF cũng kêu gọi giới lãnh đạo toàn cầu đảm bảo sự hồi phục trên các đại dương và môi trường sống thủy sinh nhằm tránh các hậu quả khôn lường đã được dự báo trước về sự biến mất của một số chủng loài.