Dù đã ở độ tuổi trưởng thành nhưng nhiều em học sinh, sinh viên trường nghề vẫn không thực sự hiểu nguy cơ lây bệnh qua đường tình dục, tai biến sau nạo phá thai, cách phòng tránh thai và quan hệ tình dục an toàn… Trong khi đó đây cũng là một trong những năng lực hạn chế nhất đối với giáo viên các trường nghề.
Hậu quả là sinh viên trường thiếu kiến thức và kỹ năng giúp bảo vệ mình khỏi hành vi nguy cơ tình dục, nhiễm HIV và nguy cơ sức khỏe sinh sản khác. Đó là một trong nội dung đáng chú ý tại hội nghị công bố, giới thiệu chương trình tài liệu giáo dục sức khỏe sinh sản (SKSS) cho người học nghề do Bộ LĐTB&XH tổ chức sáng 3/11.
Theo kết quả cuộc Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2014, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ thanh thiếu niên cao nhất trong lịch sử Việt Nam. Thanh thiếu niên tuổi từ 10-29 chiếm khoảng 1/3 tổng dân số. Tuy nhiên, nhiều thanh niên vẫn còn thiếu kiến thức và kỹ năng sống thiết yếu về tình dục an toàn, có sự đồng thuận và gặp những rào cản đáng kể trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD.
Ông Hà Như Toàn, đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho biết: Nếu không đáp ứng được nhu cầu sức khỏe tình dục và sinh sản của người di cư trẻ có thể dẫn tới gia tăng tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn cũng như các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, kể cả HIV. Điều này ảnh hưởng tới sức khoẻ và bất lợi lâu dài trong xã hội. Vì vậy, việc cung cấp kiến thức và kỹ năng phù hợp với SKSS/SKTD, HIV/AIDS và kỹ năng sống cho người trẻ di cư rất là quan trọng. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo nghề hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhiều bằng chứng cho thấy người học nghề thiếu kiến thức và kỹ năng giúp bảo vệ mình khỏi hành vi nguy cơ tình dục, nhiễm HIV và nguy cơ sức khỏe sinh sản khác…
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) thừa nhận, hiện hệ thống dạy nghề trên cả nước có 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp và 997 trung tâm dạy nghề, hàng năm tuyển sinh 3 cấp trình độ khoảng trên 2 triệu người. Các điều kiện nâng cao chất lượng dạy nghề càng được đầu tư và cải thiện. Tuy nhiên việc cung cấp kiến thức và kỹ năng phù hợp với SKSS/SKTD, HIV/AIDS và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trường nghề còn hạn chế, bị bỏ ngỏ.
Xuất phát từ thực tế trên, để góp phần nâng cao kiến thức về SKSS, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV cho học viên và nâng cao năng lực giảng dạy cho giáo viên, giảng viên tại các cơ sở dạy nghề trong cả nước, Quỹ Dân số Liên hợp quốc đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho Việt Nam để lồng ghép giáo dục SKSS, sức khỏe tình dục và phòng chống HIV trong đào tạo nghề.
Theo đó Tổng cục Dạy nghề đã tiến hành biên soạn bộ tài liệu “Giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và phòng chống HIV”. Mục đích nhằm trang bị cho người học nghề kiến thức về SKSS, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV/AIDS và chủ động phòng tránh quan hệ tình dục không an toàn. Theo đó chương trình giáo dục sẽ được áp dụng cho tất cả người học nghề trong các cơ sở dạy nghề, tập trung vào học viên trình độ sơ cấp và học nghề dưới 3 tháng. Khóa học này sẽ được lồng ghép trong quá trình dạy nghề (có thể tổ chức như khóa học định hướng trước khi dạy nghề)
Đánh giá việc lồng ghép dạy SKSS trong các trường nghề, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, nhiều trường Trung cấp Dạy nghề và các cơ sở dạy nghề ngắn hạn, tuyển sinh đầu vào là các em đang học hoặc mới chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông. Do vậy, việc đưa kiến thức về tình dục, SKSS và phòng chống HIV rất quan trọng, góp phần giảm nguy cơ về mắc bệnh lây nhiễm đang có xu hướng gia tăng như hiện nay.