Sinh viên xuất sắc, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại

Dung Hòa 08/11/2023 10:30

Không chỉ phổ thông, ở bậc Đại học (ĐH) hiện nay tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, giỏi chiếm lượng không nhỏ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp nói vẫn phải đào tạo lại sinh viên xuất sắc.

Đào tạo gắn với nhu cầu doanh nghiệp là yêu cầu thiết thực. Ảnh minh họa.

Đại tá Dương Xuân Phượng - Phó Giám đốc Học viện Viettel cho hay, khoảng cách giữa đào tạo của trường ĐH với thực tế nhu cầu doanh nghiệp vẫn còn xa.

Ông Phượng nói, lâu nay đội ngũ nhân sự chủ chốt của đơn vị chủ yếu tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội, Học viện Kỹ thuật quân sự, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông. Họ thường có văn bằng 2 hoặc thạc sĩ kinh tế ở các trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Thương mại và Học viện Tài chính. Trong đó, 1/4 nhân sự chủ chốt tốt nghiệp tại ĐH Bách khoa Hà Nội. Học viện Viettel từng tiếp nhận 2.000 sinh viên xuất sắc ở các trường về đào tạo theo chương trình Viettel Digital rồi chỉ tuyển được 100 người. Khảo sát cho thấy, 75% các em tự đánh giá đáp ứng được chưa đến 80% yêu cầu công việc. Chỉ 2% cho rằng có thể đáp ứng trên 90% yêu cầu của doanh nghiệp.

Số liệu tại các hội thảo liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) gần đây cho thấy, trong số 50.000 cử nhân CNTT ra trường hàng năm, 30% làm việc được ngay, 70% phải đào tạo lại.

Theo Hội Tin học TPHCM (HCA), hiện nay các chương trình đào tạo ngành CNTT trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, đặc biệt là đào tạo kỹ sư chất lượng cao. Cụ thể, hiện 27% lao động CNTT có thể đáp ứng yêu cầu, số còn lại cần được đào tạo bổ sung trong tối thiểu 3 tháng.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, cần siết chuẩn đầu ra để việc đánh giá đúng thực chất, để sinh viên không ảo tưởng về năng lực hoặc “khoác trên mình chiếc áo quá rộng”, dẫn đến việc nhiều em gia nhập thị trường lao động nhưng “không biết mình là ai” hoặc ngược lại tự ti, chán nản về năng lực bản thân.

Theo Đại tá Dương Xuân Phượng, đang có sự bất cập trong đánh giá sinh viên tốt nghiệp, khi tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc của một số trường lên tới 99%. Ông Phượng đề xuất các trường ĐH đổi mới nội dung chương trình đào tạo sát với thực tế của doanh nghiệp, hướng theo tín hiệu thị trường chứ không phải đào tạo “những cái mà trường có”. Các trường cần có chính sách liên kết, mời doanh nghiệp tham gia một phần đào tạo, cấp một số chứng chỉ để sinh viên bắt nhịp được đòi hỏi của doanh nghiệp, thị trường lao động. Cần xem xét có cơ chế, tiêu chí chung để đánh giá thực chất chất lượng sinh viên hiện nay. Cụ thể là không để tỷ lệ xuất sắc và giỏi quá cao, bởi khi về đến doanh nghiệp phải đánh giá lại, sẽ rất khó khăn. “Chúng tôi đề nghị, thay vì câu hỏi “học được kiến thức gì”, hãy tập trung trả lời vấn đề “học xong làm được gì”?- ông Phượng nhấn mạnh.

Theo ông Dương Xuân Phượng (Học viện Viettel), hiện đang có sự bất cập trong đánh giá sinh viên tốt nghiệp, khi tỷ lệ khá, giỏi, xuất sắc của một số trường lên tới 99%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên xuất sắc, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại