'Slender Man': Sản phẩm của internet và nỗi ám ảnh của cả một thế hệ

Minh Tuấn (Washington Post, NYTimes) 21/08/2022 19:00

Được biết đến như một biểu tượng của truyền thuyết đô thị thế giới, hình tượng cao kều của Slender Man đã reo rắc nỗi sợ vô hình vào tiềm thức của bao người, nhưng nguồn gốc của nhân vật kinh dị này lại không như chúng ta nghĩ.

Chắc hẳn mọi người, đặc biệt là giới trẻ, đã từng nghe qua nhân vật Slender Man, một người đàn ông trong bộ âu phục, mọi thứ sẽ rất bình thường nếu như gã không quá cao, không phải dạng cao to lực lưỡng mà chỉ có chiều cao được kéo dài, trông cứ như một cái bóng của người nào đó trải dài trên mặt đất vậy, ngoài ra gã còn không có ngũ quan, một gương mặt mà trên đó không có gì cả.

Slenderman có thể coi là định nghĩa của trí tưởng tượng bị thổi phồng bởi mạng xã hội. Cha đẻ của nhân vật này là Eric Knudsen với nickname Victor Surge. Năm 2009, Knudsen đã đăng tải hai tấm ảnh trắng đen, chụp lại hình ảnh một thực thể kỳ lạ đang theo dõi những đứa trẻ từ xa. Knudsen sử dụng hai tấm ảnh này để chiến thắng một cuộc thi Photoshop trên "Something Awful Forum".

Một trong hai bức ảnh được tìm thấy sau vụ hỏa hoạn tại Thư viện thành phố Stirling, vốn được chụp vào ngày mà 14 đứa trẻ mất tích không một dấu vết bởi sinh vật mang tên "Slender Man". Những dấu hiệu kỳ lạ trên bức ảnh được chính quyền cho là do phim biến dạng. Thư viện thành phố Stirling bị cháy đúng một tuần sau đó. Bản gốc của bức ảnh được tịch thu làm bằng chứng điều tra.

Đối với Knudsen, Slender Man là một nhân vật thể hiện cho sự hoang tưởng của con người, đặc biệt là nỗi sợ hãi trước những điều bí ẩn không xác định hoặc "bách biến". Trước Slender Man đã tồn tại nhiều nhân vật và các bức ảnh về truyền thuyết đô thị tương tự, với những gương mặt quỷ dị được chụp ở các góc ảnh. Các bức ảnh này đều trở thành "mảnh đất màu mỡ" để con người phát huy trí tưởng tượng và đưa ra những giả thuyết kinh dị, dù chúng có là sản phẩm của Photoshop đi chăng nữa.

Slender Man là một ví dụ kinh điển về “creepypasta” – một huyền thoại kinh dị hiện đại được phổ biến hóa sau khi một số người dùng mạng sao chép và dán nó trên khắp trang web. Nhưng nhiều người tin rằng creepypasta này đạt đến mức phổ biến đỉnh cao vào năm 2012, khi hình ảnh nhân vật đáng sợ này được lan truyền rộng rãi mọi mặt trận.

Người ta truyền tai nhau rằng, Slender Man mang nhân dạng của một gã đàn ông có thân hình dị dạng, với chiều cao bất thường, tứ chi dài ngoằng và những xúc tu đen bủa ra từ phía sau lưng. Cũng như tên hề sát nhân Pennywise, mục tiêu chính của Slender Man là những đứa trẻ với tâm hồn yếu đuối nhưng không vì thế mà người trưởng thành trở nên hoàn toàn "miễn nhiễm" khi đụng mặt với sinh vật này.

Điểm đáng sợ của Slender Man là càng tìm hiểu và biết nhiều về nó bao nhiêu bạn sẽ càng trở thành mục tiêu săn đuổi của nó bấy nhiêu. Cho đến một mức độ nhất định, Slender Man có thể dịch chuyển tức thời đến vị trí của bạn.

Slender Man đã từng là nguồn cảm hứng vô biên cho nhiều câu chuyện, giả thuyết và những bức ảnh kinh dị được truyền bá trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên, một trong những "dự án" đã giúp một thực thể vô danh trở nên nổi tiếng tới vậy thuộc về kênh youtube Marble Hornets. Đây là một kênh Youtube đăng tải những video bí ẩn, kinh dị, nhưng theo phong cách của các bộ phim Found Footage như Blair Witch, Cloverfield hay series lonelygirl15.

Loạt video này xoay quanh nhà làm phim nghiệp dư Alex Crowley – người đã buộc phải ngừng sản xuất đồ án phim Marble Hornet của mình vì bị ám bởi một thực thể kỳ lạ. Thực thể này được gọi là The Operator. Mặc dù không phải là Slender Man, nhưng những hình ảnh và đoạn băng quay cho thấy thực thể này có nhiều đặc điểm giống Slenderman sau này, với độ chân thật khiến người xem rợn gáy.

Marble Hornets đã góp phần vào những câu chuyện và tin đồn bị thổi phồng trên Internet. Slender Man bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và nổi tiếng hơn nhờ các tựa game "đi dạo trong rừng" khiến người người ám ảnh. Kỷ nguyên của Slenderman bắt đầu, và nhân vật này đã xuất hiện ở khắp nơi, từ phim ảnh, truyện, game đến tranh vẽ.

Mặc dù chỉ là một sản phẩm của nỗi sợ hãi và trí tưởng tượng, nhưng nhiều người cả tin vẫn cho rằng nhân vật này có thật, và có ảnh hưởng lớn với một bộ phận người dân, đặc biệt là trẻ em. Điển hình là một vụ án xảy ra vào tháng 5/2014, Wisconsin, Mỹ. Anissa Weier và Morgan Geyser đều 12 tuổi đã dẫn người bạn học là Payton Leutner vào rừng để rồi đâm cô bé 19 nhát dao với lý do là để "thể hiện lòng trung thành với Slender Man". Vụ việc này gây chấn động toàn nước Mỹ và buộc mọi người phải xem xét lại tác động của nhân vật trên vào tâm lý.

Cả hai cô bé đều bị chẩn đoán mắc bệnh tâm thần, và một trong hai người đã bị gửi đến trại thương điên với bản án 40 năm.

Còn hàng tá câu chuyện rùng rợn khác liên quan đến cái tên Slender Man mà bạn có thể dễ dàng tìm kiếm trên mạng. Chúng đều có những thông tin xác thực nhất định khiến bạn không thể không tin rằng hắn có tồn tại trên cõi đời này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Slender Man': Sản phẩm của internet và nỗi ám ảnh của cả một thế hệ