Theo ghi nhận từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, số ca chết não hiến mô tạng trong 9 tháng đầu năm nay 25 ca (năm 2023 chỉ có 14 ca chết não hiến mô tạng). Điều này góp phần làm tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/829 bệnh nhân ghép, tương đương 10,49%.
Đây là thông tin được PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia chia sẻ tại Hội thảo khoa học về hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam lần thứ 2 tổ chức ngày 11/10 tại Học viện Quân y - Hà Nội.
Ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Điểm lại 32 năm lịch sử ghép tạng của Việt Nam, PGS Hệ nhấn mạnh, chúng ta đã có những bước phát triển đáng tự hào. Trước đây, tỷ lệ tạng hiến từ người chết não khoảng 5-6%. Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng.
Năm 1992, Việt Nam thực hiện ca ghép tạng đầu tiên là ca ghép thận từ người cho sống. Đến nay, các y bác sĩ Việt Nam đã thực hiện hơn 8.000 trường hợp ghép tạng, trong đó có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 ca ghép gan, làm chủ nhiều kỹ thuật khó.
Ông Hệ cũng cho hay, hiện Việt Nam có 29 bệnh viện thực hiện ghép tạng, trong đó có 27 cơ sở ghép thận, 8 cơ sở ghép gan, 5 cơ sở ghép tim, 4 cơ sở ghép phổi... Trong năm 2023, 1.000 người tại Việt Nam được ghép tạng, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Mặc dù vậy, số lượng ca ghép tạng từ người cho chết não tại Việt Nam rất khiêm tốn. Cụ thể, ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên là vào tháng 5/2010. Tính đến tháng 10/2022, Việt Nam chỉ có hơn 130 ca ghép tạng từ người cho chết não. Trung bình trong giai đoạn này có 11 ca ghép mô tạng từ người cho chết não mỗi năm.
Hiện danh sách những người chờ ghép tạng vẫn còn dài. Mỗi ngày vẫn có nhiều người bệnh phải qua đời vì không có tạng để ghép. Trong khi đó, số người chết não hiến tặng mô, tạng tại Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới. Chính vì vậy, việc vận động hiến mô, tạng là nền tảng của phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Nếu người dân, gia đình không hiểu, không ủng hộ thì việc người chết não hiến mô, tạng rất khó.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, thực tế tỷ lệ người chết não hiến tạng của Việt Nam vẫn nằm trong nhóm thấp nhất thế giới, đứng thứ 3 từ dưới lên. Có nhiều thách thức dẫn đến tình trạng này. Một trong những khó khăn trong vận động hiến tạng xuất phát từ quan niệm chết phải toàn thây của nhiều người Việt. Nhiều người vẫn chưa nhận thức được hiến tạng là văn hóa, trách nhiệm và từ bi với cộng đồng. Bên cạnh đó, nguồn chi trả từ bảo hiểm y tế cho ghép tạng tại Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 40% tổng chi phí.
Từ việc học hỏi kinh nghiệm các nước trong việc ghép tạng, ông Đồng Văn Hệ chia sẻ cách làm của các nền y tế thành công trong ghép tạng từ người cho chết não. Bao gồm: Tăng cường hệ thống y tế; sự hỗ trợ từ hệ thống pháp lý; đưa hệ thống hiến mô tạng trở nên gần gũi; tăng cường tương tác với các gia đình; xây dựng niềm tin vào hệ thống y tế và hệ thống phân phối tạng; có sự hỗ trợ dành cho các gia đình hiến tạng; có nghiên cứu và đánh giá để cải tiến, nâng cao.
Thời gian qua, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã có 3 thay đổi rất quan trọng để nâng cao hiệu quả, đó là: tập trung vào luật pháp và văn bản dưới luật, hệ thống y tế (hoạt động của các bệnh viện) và giáo dục cộng đồng.
Tại hội thảo nói trên, các chuyên gia y tế cũng cho cho rằng, tới đây, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cần được sửa đổi để sớm có hành lang pháp lý, tạo điều kiện triển khai ngày càng nhiều ca ghép tạng, cứu sống thêm nhiều người bệnh.
Từ ngày 7 đến 12/10, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, phối hợp với Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam; Hội Ghép tạng Việt Nam và Học viện Quân y, lần đầu tiên tổ chức “Tuần lễ hiến ghép mô tạng Việt Nam 2024” với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước, cùng chia sẻ các kinh nghiệm, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hiến tặng mô, tạng.