Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước có xu hướng gia tăng từ đầu tháng 4 đến nay, số mắc trong 7 ngày qua tăng 3,8 lần so với trước đó. PV Báo Đại Đoàn Kết đã có trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Vì sao số ca nhiễm tăng mạnh?
Theo lý giải của PGS.TS Trần Đắc Phu, thời gian qua, nhờ tiêm vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh, Covid-19 đã giảm. Song, thực tế Covid-19 chưa mất đi, vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng.
Số ca Covid-19 tăng có thể do miễn dịch của người sau tiêm vaccine hoặc từng nhiễm đã giảm.
“Nước ta đã mở cửa du lịch, phát triển giao thương kinh tế, đo dó tình hình dịch bệnh của Việt Nam cũng không thể tách biệt với tình hình dịch của thế giới. Chỉ trong vòng 24 giờ, dịch bệnh ở nước xa xôi nhất cũng có thể xâm nhập vào nước ta”, ông Phu nói.
Bên cạnh đó, thời tiết giao mùa tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển. Sau thời gian dài “mở cửa”, nhiều người cũng có tâm lí lơ là, không đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng dịch nên lây nhiễm bệnh.
Chuyên gia y tế cũng cho rằng việc công bố số nhiễm hiện nay không sát với thực tế do người nhiễm không xét nghiệm hoặc có xét nghiệm dương tính nhưng không thông báo.
“Số ca nhiễm thực tế có thể cao hơn số ca được Bộ Y tế công bố hàng ngày. Lý do là có nhiều người mắc bệnh, có triệu chứng nhưng không đi xét nghiệm, tự test và tự điều trị tại nhà. Virus chưa mất đi mà vẫn tồn tại và lây lan trong cộng đồng. Covid-19 sẽ không biến mất như bệnh SARS vào năm 2003”, chuyên gia cho biết thêm.
Trước ý kiến cho rằng nếu có ca mắc Covid-19 là học sinh nhà trường sẵn sàng quay trở lại học trực tuyến, ông Phu cho rằng: “Nguy cơ đến đâu giải quyết đến đó, học sinh nào bị mắc Covid-19 thì nghỉ, còn các học sinh khác cần thực hiện nghiêm đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, không tiếp xúc với những học sinh bị nhiễm bệnh”.
Lưu ý ra sao?
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người dân, cần chú ý các vấn đề dự phòng, đeo khẩu trang ở nơi nguy cơ cao, rửa tay khử khuẩn thường xuyên, không tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ...
Đối với những người có triệu chứng nghi ngờ cũng cần chủ động phòng bệnh cho người khác. Bên cạnh đó, cần chú ý bảo vệ nhóm nguy cơ như người già, người bệnh nền, tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Đặc biệt, chuyên gia nhấn mạnh, ngành y tế cần phải đánh giá chính xác nguy cơ, giải trình tự gene xem có phát hiện biến thể mới, biến chủng vô hiệu hóa vaccine hay không. Từ đó, có kế hoạch đáp ứng dịch cho thích hợp, không bất ngờ. Nếu không sẽ gây quá tải hệ thống y tế, số ca nặng và tử vong sẽ tăng.
Việt Nam vẫn cần tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, phối hợp với WHO để có phương hướng công bố dịch bệnh phù hợp với nước ta.
Cùng với đó, chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 cũng cần được nghiên cứu, hướng tới bảo vệ nhóm nguy cơ (người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch…).
Bộ Y tế nói gì?
Cục trưởng Phan Trọng Lân cũng cho rằng trong bối cảnh hiện nay, cần theo dõi sát các số liệu. Các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tăng cường rà soát cấp độ dịch, công bố thông tin để người dân biết và phòng chống, tránh sự hoang mang cũng như chủ quan của người dân. Cấp độ dịch này có ý nghĩa, ở cấp xã, phường, phát hiện sớm nhất, khoanh vùng hiệu quả nhất, xử lý dịch tại nguồn để không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế, xã hội.