Theo số liệu vừa được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 4/8, Hà Nội đã ghi nhận 2.750 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022) tại 30/30 quận, huyện, thị xã và 408/579 xã, phường, thị trấn (chiếm 70,5%). Riêng 4 tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần ghi nhận 481 trường hợp, tăng 4,3 lần so với trung bình 4 tuần trước đó.
Ngoài ra, tính đến ngày 4/8, TP Hà Nội đã ghi nhận 198 ổ dịch sốt xuất huyết tại 24 quận, huyện, thị xã và 111 xã, phường, thị trấn. Hiện tại, còn 110 ổ dịch đang hoạt động. Điều đáng lưu ý, tại một số quận, huyện, việc thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy đạt tỷ lệ thấp.
CDC Hà Nội cho hay, công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết đang gặp khó khăn do một số đơn vị hiện tại chưa mua sắm được hóa chất diệt muỗi, diệt bọ gậy. Thêm vào đó, việc huy động lực lượng thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy còn nhiều khó khăn; người dân chưa chủ động trong hoạt động diệt bọ gậy tại hộ gia đình mình.
Virus gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Do đó, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, thậm chí lần sau còn nặng hơn lần trước.
PGS.TS.BS Phạm Thị Bích Đào - Chuyên khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết có thể thay đổi và thay đổi theo biến đổi khí hậu ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, và các véc-tơ có thể thích nghi với môi trường và khí hậu mới.
"Trường hợp nhiễm lần 2/3 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng. Nếu bệnh nhân bị sốt xuất huyết không được điều trị đúng thuốc, theo dõi và phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến nặng sẽ gây nguy hiểm cho người bệnh, có nguy cơ tử vong cao" - BS Đào khuyến cáo.