Dù đã sang tháng 10, nhưng dịch sốt xuất huyết (SXH) hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí vẫn tiếp tục gia tăng mạnh ở nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực phía Nam. Đáng chú ý, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk… có số ca mắc SXH tăng vọt so với cùng kỳ năm ngoái.
Ca mắc, tử vong cao hơn so với cùng kỳ
Theo thống kê, tính từ đầu năm đến nay Hà Nội đã ghi nhận hơn 4.700 ca mắc SXH. Ngoài type virus gây bệnh lưu hành là Dengue 1 và Dengue 2, trên địa bàn Hà Nội vừa phát hiện thêm chủng virus Dengue 4. Tuần vừa qua, thành phố đã ghi nhận 807 ca mắc SXH; tuy có giảm nhẹ so với tuần trước, nhưng số mắc vẫn rất cao. Bệnh nhân SXH tập trung chủ yếu tại một số quận, huyện như: Đống Đa, Thanh Oai, Hà Đông, Thanh Trì, Phúc Thọ...
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Khổng Minh Tuấn cảnh báo: Năm 2022 là năm chu kỳ bùng phát dịch SXH; bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, các cơn bão có thể kéo dài trong tháng 10, 11, 12, lượng mưa lớn, do đó, bệnh SXH cũng sẽ kéo dài theo. Thậm chí, dịch bệnh có thể không chỉ đạt đỉnh dịch vào tháng 10 như mọi năm, mà có thể vào giữa tháng 10 và tháng 11.
Tại TPHCM, nơi đang là điểm nóng về SXH, tính từ đầu năm đến tuần vừa qua, đã ghi nhận trên 62.000 ca mắc SXH, tăng hơn 7 lần với cùng kỳ năm 2021; số ca SXH nặng là 1.360 ca. Đáng lo ngại, số ca tử vong do SXH tại TPHCM năm nay khá cao. Tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 25 trường hợp, tăng 20 ca so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, có khoảng 75% số trường hợp tử vong do SXH là người lớn. Nhiều trường hợp đến bệnh viện chậm trễ khiến gia tăng nguy cơ tử vong do không được can thiệp điều trị kịp thời.
Ngoài ra, một số tỉnh phía Nam cũng đang gia tăng mạnh số ca mắc SXH, như tại tỉnh An Giang, từ đầu năm đã ghi nhận 13.200 ca SXH, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2021; đến nay đã có 3 ca tử vong do mắc SXH. Tại Tiền Giang, chỉ trong tuần vừa qua đã ghi nhận thêm 7.096 ca mắc SXH; đến nay đã có 4 ca tử vong. Dịch SXH trên địa bàn được dự báo vẫn còn diễn biến phức tạp, phải tiếp tục tăng cường kiểm soát.
Ở khu vực Tây Nguyên, đến nay SXH đã lan rộng ra nhiều huyện/thành phố ở Lâm Đồng, Đắk Lắk… kéo theo đó là nhiều ca bệnh có chuyển biến nặng. Các cơ sở y tế phải nỗ lực điều trị kịp thời để giảm tối đa tỷ lệ tử vong.
Cụ thể, theo thống kê của Sở Y tế Lâm Đồng, đến cuối tháng 9 đã ghi nhận 2.967 ca mắc SXH, tăng đến 2.572 ca so với cùng kỳ 2021. Nhiều huyện tăng đột biến, điển hình như: Huyện Đạ Tẻh có 410 ca, tăng 217 ca so với năm 2021; huyện Đức Trọng có 423 ca, tăng 406 ca so với năm 2021; TP Bảo Lộc có 512 ca, tăng 456 so với năm 2021; huyện Di Linh có 540 ca, tăng 517 so với năm 2021… Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (tại Đắk Lắk) cho hay mới ghi nhận thêm 1 bệnh nhân SXH tử vong, nâng tổng số bệnh nhân SXH tử vong ở Đắk Lắk lên 9 người.
Nỗ lực ngăn chặn dịch
Trước tình hình dịch diễn biến phức tạp của dịch SXH, các địa phương cũng đang nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của dịch, nâng cao năng lực đáp ứng với dịch bệnh.
TPHCM hiện đã phải áp dụng mô hình tháp 3 tầng vào điều trị SXH. Đồng thời, tăng cường nguồn lực, phối hợp triển khai các giải pháp để hạn chế thấp số trường hợp tử vong do SXH.
Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện thuộc tầng 3 cần phải thành lập các đơn vị, khoa hồi sức SXH. Chịu trách nhiệm tiếp nhận điều trị ca nặng do các cơ sở y tế thuộc tầng 1 và tầng 2 chuyển đến. Theo Sở Y tế TPHCM, mô hình phân tầng điều trị SXH được áp dụng dựa trên kinh nghiệm điều trị Covid-19. Tuy nhiên, mô hình điều trị SXH khác với mô hình phân tầng điều trị Covid-19 đó là các bệnh viện sẽ không chuyển ngược người bệnh về tầng thấp hơn.
Còn tại Hà Nội, ngành y tế đã liên tục chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng, chống SXH. Theo ông Khổng Minh Tuấn, nếu chúng ta hiểu rõ về dịch bệnh SXH, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của cơ quan y tế, thì người dân hoàn toàn có thể phòng, chống được dịch. Theo đó, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Người dân loại trừ được bọ gậy, dụng cụ chứa nước không có bọ gậy, không có muỗi thì không có SXH. Nhưng hiện nay, một số hộ gia đình vẫn chưa chủ động dọn vệ sinh sạch sẽ, qua kiểm tra vẫn phát hiện dụng cụ chứa nước có bọ gậy...
Theo thống kê của Bộ Y tế, tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận trên 236.700 trường hợp mắc SXH, trong đó có 98 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021, số mắc SXH tăng 4,6 lần, số ca tử vong tăng 78 trường hợp. Các bác sĩ khuyến cáo, khi người bệnh mắc SXH, đặc biệt là trẻ nhỏ, gia đình cần theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu bệnh. Nếu trẻ sốt cao trên 2 ngày kèm với các dấu hiệu như đau bụng, tay chân lạnh, bỏ ăn... cần đưa người bệnh tới cơ sở y tế kịp thời để được chẩn đoán và điều trị.