Những năm gần đây, tận dụng nguồn lục bình trên sông sẵn có, nghề đan giỏ bằng cây lục bình cũng phát triển, nhiều hộ dân nông thôn ở Ngã Năm đã có thêm thu nhập không nhỏ trong lúc nông nhàn. Với việc cắt, phơi cọng lục bình và bán cho thương lái, mỗi tháng có người có thu nhập từ 3 - 4 triệu đồng, mức thu nhập không hề nhỏ ở nông thôn.
Nghề đan lục bình giúp bà con có thêm thu nhập.
Chị Nguyễn Thị Hồng ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đã gắn bó với nghề cắt lục bình trên sông được gần chục năm nay. Trung bình mỗi ngày chị cắt được từ 400 – 500 kg lục bình, với giá công cắt 250 đồng/kg, thu nhập cũng gần 150.000 đồng. Theo chị Hồng, hàng ngày chèo xuồng trên sông để cắt lục bình, tuy vất vả nhưng hàng ngày có thu nhập khá. Phụ nữ ở đây vào mùa này nhàn rỗi nên làm thêm cũng kiếm thêm thu nhập.
Còn chị Nguyễn Thị Oằn, cùng ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, khi mùa vụ lúa hoặc rau màu xong, mọi người nông nhàn nên chị em trong vùng rủ nhau đi cắt lục bình, phơi khô, bán cho thương lái đến mua, kiếm thêm, có thêm tiền cho con cháu đi học, cải thiện cuộc sống.
Lục bình sau khi cắt về, chỉ loại cọng, bẹ dài 5-6 tấc trở lên, sẽ được phơi khô để bán cho thương lái, với giá trung bình 8.000 đồng/kg. Thông thường 15 kg lục bình tươi sẽ cho 1 kg lục bình khô. Tuy nghề này vất vả nhưng cũng đã gắn bó với bà con nơi đây từ nhiều năm nay. Đa số những người gia công lục bình là phụ nữ hay những người đã lớn tuổi, thu nhập hàng ngày cũng phụ giúp khá nhiều cho gia đình cải thiện chất lượng cuộc sống.
Theo ông Trần Trọng Khang, Trưởng Ban nhân dân ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, nghề cắt, phơi lục bình đã xuất hiện ở vùng này gần 15 năm nay, ban đầu chỉ vài hộ nhưng đến nay đã có 36 hộ tham gia, nhiều hộ ở các địa phương khác trong thị xã Ngã Năm cũng làm nghề này.
Bên cạnh việc cắt, phơi nhiều hộ còn đang gia công các mặt hàng thủ công từ nguyên liệu lục bình như giỏ xách, hộp đựng đồ thân thiện với môi trường. Có hộ nhiều người làm vừa cắt phơi vừa đan giỏ lục bình gia công cũng kiếm được cả chục triệu đồng mỗi tháng.
Tổ hợp tác đan lục bình ở xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị, thời gian qua cũng đã giúp nhiều chị em có thêm thu nhập từ nghề phụ này. Tổ hợp tác đan lục bình Ấp Trung Thống, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị có 21 thành viên, hầu hết là chị em trong Chi hội Phụ nữ ấp.
Thường ngày ngoài chăn nuôi, buôn bán, nội trợ, tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị em trong Tổ hợp tác đan lục bình còn lấy nguyên liệu từ Hợp tác xã Ngọc Bích, huyện Mỹ Xuyên về làm gia công, các sản phẩm rất đa dạng như khay đựng giấy, giỏ, rổ, hộp, mỗi thành phẩm là 8 ngàn đồng, một người có thể đan từ 5-10 cái/ngày, đủ chi phí cho sinh hoạt hằng ngày.
Chị Tô Thị Minh, tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: “Chúng tôi thành lập tổ hợp tác này là nhằm giúp chị em có thêm thu nhập. Vì ở nông thôn ngoài việc đồng áng, chị em cũng khó tìm được việc làm phù hợp những lúc nông nhàn. Với mô hình này đã giúp chị em có thu nhập thêm đôi triệu đồng/tháng”.