Không chỉ Hà Nội, TPHCM... tại nhiều địa phương khác, thu học phí và các khoản khác chủ yếu được thực hiện qua hình thức trực tuyến. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học.
Minh bạch nhờ số hóa
UBND TP Thủ Đức (TPHCM) vừa ban hành hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục; thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập năm học 2023-2024 của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Thủ Đức yêu cầu tất cả các khoản thu phải đựợc thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Bộ phận tài vụ của nhà trường thực hiện thu tiền, phát hành biên lai, hóa đơn thu tiền cho từng người học, không giao cho giáo viên trực tiếp thu. Thanh toán học phí qua app tạo thuận lợi cho phụ huynh, đồng thời góp phần giảm lạm thu trong trường học.
Tại Hà Nội, ngay khi vào năm học mới 2023-2024, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản gửi UBND các địa phương, các trường yêu cầu tăng quản lý thu chi, công khai, minh bạch các khoản thu, nhất là những khoản thu ngoài học phí.
“Khoản ngoài học phí” là một trong những thứ khiến phụ huynh bức xúc khi vẫn có nơi thu theo kiểu “rút gọn quy trình” hoặc núp dưới danh nghĩa "tự nguyện"... Bên cạnh việc tăng cường thanh kiểm tra giám sát, ngành giáo dục và đào tạo Hà Nội cũng đang tăng cường công tác số hóa trong thu, chi trường học. Theo đó, sẽ triển khai tập huấn sử dụng phần mềm quản lý các khoản thu không dùng tiền mặt tới các trường học ngay từ đầu năm học 2023-2024.
Tháng 6/2022, Bộ GDĐT đã hướng dẫn, yêu cầu các trường phối hợp các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan thu học phí, lệ phí tuyển sinh và các khoản thu khác theo hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, việc này chưa bắt buộc. Các trường vẫn có thể dùng nhiều phương thức, gồm cả thanh toán trực tuyến hoặc thu tiền mặt qua bộ phận tài vụ, giáo viên chủ nhiệm.
Một số phụ huynh chưa rành cách thức thức hiện nộp tiền trực tuyến nên hầu hết các trưởng vẫn duy trì song song cả hình thức thu trực tiếp và trực tuyến, khuyến khích phụ huynh áp dụng thanh toán trực tuyến.
Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GDĐT Nguyễn Sơn Hải cho biết Bộ đã ban hành quy định về chuẩn dữ liệu để cơ sở dữ liệu tương thích với toàn hệ thống; thúc đẩy các cơ sở giáo dục thực hiện hình thức thanh toán online, hạn chế phần nào tình trạng lạm thu ở các cơ sở giáo dục.
Thu - chi phải đúng mục đích
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, một số cử tri cho rằng nhiều trường học thu quá nhiều và thu để chi cho những mục đích không cần thiết, chủ yếu giải quyết các mối quan hệ giao dịch giữa phụ huynh và ban giám hiệu, thầy cô. Bà Hoa cho rằng chỉ nên ủng hộ các khoản thu phục vụ hoạt động giáo dục và phải quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả.
Để thu đúng mục đích, minh bạch các khoản thu, giải pháp số hóa là rất quan trọng. Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giảm bớt công việc của giáo viên, nhân viên nhà trường mà việc rà soát, đối chiếu cũng tường minh hơn. Các cơ quan quản lý thực hiện thanh kiểm tra cũng căn cứ trên các khoản đầu vào đối chiếu với hóa đơn, chứng từ để kiểm soát đầu ra, tránh được tình trạng các khoản thu không có chứng từ, biên lai thu tiền.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, để việc số hóa các khoản thu thực sự "triệt tiêu" lạm thu trong trường học, Chính phủ, Bộ GDĐT cần có văn bản pháp lý bắt buộc cơ sở giáo dục, đào tạo thu trực tuyến mọi khoản tiền. Học phí được nhiều trường thực hiện thông qua hình thức trực tuyến song vẫn có những khoản nộp trực tiếp cho giáo viên, không thông qua tài khoản nhà trường. Phụ huynh nhiều khi vì nể nang, vì ngại cũng không hỏi biên lai, chứng từ dẫn đến thu chi không đúng mục đích.
“Một lưu ý nữa là các trường cần đưa ra nhiều lựa chọn, tránh chỉ dùng một app hay ngân hàng duy nhất gây khó khăn, bức xúc cho phụ huynh trong quá trình thanh toán” - ông Lâm kiến nghị.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định tiến tới mọi khoản thu của các trường sẽ không dùng tiền mặt, nhằm khắc phục tình trạng lạm thu. Bộ sẽ đề nghị Chính phủ có văn bản pháp lý bắt buộc việc này.