Ngày 15/11, tại tỉnh Vĩnh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị Sơ kết Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND và UBND các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Tham dự Hội nghị, có Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng: Ngô Văn Tuấn - Tổng Kiểm toán nhà nước; Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Vĩnh Long; Lê Hồng Quang - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh An Giang; Lê Quốc Phong - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp; Nguyễn Văn Danh - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang; Ngô Chí Cường - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.
Cùng dự Hội nghị có bà Hồ Thị Hoàng Yến - Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre; các vị lãnh đạo KTNN, lãnh đạo HĐND, UBND các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN, lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị trực thuộc các địa phương…
Phối hợp tích cực và hiệu quả
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc còn tồn tại trong công tác phối hợp giữa KTNN với các địa phương, đồng thời đề xuất các phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác phối hợp giữa các bên trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Minh Khương cho biết, trong những năm qua, công tác phối hợp giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác của mỗi bên. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN một mặt chỉ ra những ưu điểm, những nội dung đã làm đúng quy định, mặt khác, KTNN cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và cả những sai sót cần khắc phục, chấn chỉnh trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các địa phương, đơn vị được kiểm toán; đồng thời, hàng năm, KTNN cũng đưa ra ý kiến đánh giá về công tác lập và giao dự toán thu, chi ngân sách địa phương của các tỉnh; ý kiến các nhận về tính trung thực, tính đúng đắn, hợp pháp của BCQT NSĐP của các tỉnh giúp HĐND các tỉnh có thêm căn cứ, cơ sở để quyết định dự toán thu, chi NSĐP, phê chuẩn BCQT NSĐP.
Đồng thời, sự phối hợp tích cực và hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi của HĐND, UBND các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long cho các hoạt động của KTNN khu vực IX cũng như KTNN các chuyên ngành, đã góp phần giúp KTNN hoàn thành tốt kế hoạch kiểm toán hàng năm.
Theo Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN và các tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra trong quá trình thực hiện phối hợp giữa KTNN và các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long còn một số nội dung cần tiếp tục quan tâm, trao đổi, như: Công tác phối hợp, tránh chồng chéo trong xây dựng kế hoạch kiểm toán của KTNN với các kế hoạch thanh tra, kiểm tra của các địa phương; công tác phối hợp trao đổi thông tin giữa các bên trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên; việc đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các kiến nghị của KTNN của một số đơn vị, địa phương...
Đồng tình và chia sẻ về những nội dung được đưa ra tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các địa phương đã có những ý kiến phát biểu làm rõ thêm những kết quả đã đạt được trong việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa các bên trong thời gian qua cũng như định hướng công tác phối hợp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Trúc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre khẳng định: Việc ký quy chế phối hợp trong giai đoạn mới là rất thiết thực đối với tỉnh Bến Tre, là cơ sở giúp cho việc chỉ đạo, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước của tỉnh tiếp tục đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giữa KTNN với HĐND và UBND tỉnh.
Ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long mong muốn: “Thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long mong được KTNN tiếp tục hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp biện pháp hiệu quả thông qua những cuộc kiểm toán ngân sách, kiểm toán chuyên đề; đặc biệt trong điều kiện kinh tế xã hội thay đổi nhanh chóng, các quy định pháp luật được ban hành mới, được sửa đổi bổ sung thường xuyên, để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới” – ông Lữ Quang Ngời nói.
Làm tốt bốn nhiệm vụ
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, sau nhiều năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh đã đi vào thực chất, đã phát huy được hiệu quả công tác, giúp các cơ quan hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị được giao.
Thống nhất cao với các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Quy chế phối hợp, trong Báo cáo sơ kết công tác phối hợp cũng như các ý kiến tham gia của các địa phương tại Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu KTNN khu vực IX, trong thời gian tới cần làm tốt 4 nhiệm vụ, bao gồm: Làm thật tốt công tác kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, kịp thời cung cấp thông tin cho HĐND các tỉnh thông qua phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương và tổng hợp để xây dựng dự toán ngân sách nhà nướ; phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng dự toán ngân sách địa phương, từ đó nâng cao chất lượng ý kiến đối với dự toán nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương gửi Quốc hội; phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, không để tồn đọng, kịp thời chia sẻ khó khăn, vướng mắc với địa phương; và sẵn sàng hợp chặt chẽ với địa phương tham gia các đoàn giám sát của cơ quan dân cử cũng như là cho ý kiến vào các chương trình, dự án quan trọng của địa phương nếu được địa phương tín nhiệm; quan tâm giáo dục tư tưởng, đạo đức chính trị cho cán bộ, kiểm toán viên khi tham gia các hoạt động trên địa bàn; trở thành một bộ phận hữu cơ trong tổ chức bộ máy của địa phương, giúp địa phương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và từ đó hoàn thành nhiệm vụ chính trị của mình.
Về phía các địa phương, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh 6 nội dung và đề nghị các địa phương phối hợp thực hiện tốt trong thời gian tới với phương châm tinh gọn, chất lượng, hiệu quả, không chồng chéo, không nhũng nhiễu…
“Tôi rất kỳ vọng, với Quy chế được ký kết lần này, trong thời gian tới sẽ có sự thay đổi về chất trong công tác phối hợp giữa KTNN với HĐND, UBND các địa phương” – Tổng Kiểm toán nhà nước nói.
Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết Quy chế phối hợp với Thường trực HĐND, UBND các tỉnh trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Quy chế đã ký kết cho phù hợp với quy định và tình hình mới.
Nhân Hội nghị này, KTNN cũng trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp KTNN” cho các đồng chí là lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo sở, ban ngành thuộc 06 tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long đã có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển KTNN.
Quy chế phối hợp công tác giữa KTNN với Thường trực HĐND, UBND tỉnh An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long gồm 03 Chương, 10 Điều, quy định sự phối hợp công tác giữa KTNN với các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của KTNN và trong tổ chức các hoạt động giám sát, quyết định dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách, quản lý và điều hành ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật; giám sát hoạt động kiểm toán và Kiểm toán viên nhà nước.
Quy chế phối hợp với các địa phương được KTNN khu vực IX triển khai thực hiện từ năm 2008. Qua nhiều lần sửa đổi, Quy chế ngày càng hoàn thiện, thực chất và đi vào chiều sâu. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên công tác sơ kết được tổ chức với quy mô cấp Ngành, với sự tham dự của Tổng Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo các địa phương.