Ngày 19/12, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL;) đã tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động” đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lan tỏa qua việc chỉ đạo tổ chức ngay một cuộc đối thoại bóng đá, với tiêu chí “một bên hỏi, một bên trả lời và từ đó ra vấn đề”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị có sự tham dự của các quan chức ngành thể thao, giới chuyên môn, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), VPF, các CLB…
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Khánh Hải đã đọc một bản báo cáo dài gồm các nội dung về thành tích, tồn tại của bóng đá Việt Nam.
Ngay sau khi ông Hải kết thúc báo cáo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lập tức lên tiếng: “Tôi thấy hội nghị bóng đá mà như thế này thì kém sôi nổi quá. Với lại rất chung chung. Các đồng chí phải cùng VFF kiến nghị cụ thể đi. Tôi nói ví dụ bóng đá học đường thì như thế nào? Bóng đá học đường thì Bộ GD&ĐT tôi chỉ đạo rồi, các đồng chí ấy cũng rất sẵn sàng. Mà sao tôi không thấy kiến nghị mạnh mẽ xem bộ quản lý thế nào, sở thì thế nào, VFF thì thế nào”.
Theo Phó Thủ tướng, cần quy rõ trách nhiệm của từng đơn vị. Đối với chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam giai đoạn 2020, tầm nhìn 2030, cần đánh giá đã làm được tới đâu, trách nhiệm cụ thể của ai. Báo cáo đọc rất dài nhưng tôi không thấy kiến nghị nào mạnh mẽ nói về bản thân Bộ VHTT&DL, Liên đoàn Bóng đá quản lý thế nào…
"Tôi có hỏi lại và các đồng chí nói đặt ra như vậy để phấn đấu. 4 quan điểm, 5 chỉ tiêu, 6 mục tiêu, 10 giải pháp trong đó có 65 nhiệm vụ rất cụ thể. Hôm nay các đồng chí báo cáo ở đây vẫn chung chung. Tôi đề nghị làm rõ 65 nhiệm vụ cụ thể, 9 dự án, 9 chương trình đã làm đến đâu?”- Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có những phát biểu làm Hội nghị nóng hẳn lên: “Có đúng là bóng đá Việt Nam đã theo đúng quốc tế, họ làm thế nào mình làm đúng thế chưa.
Tại sao ở mình giải VĐQG lại mô hình “tháp ngược”, đội vô địch lại không đủ điều kiện đá giải châu Á, như vậy có đúng thông lệ quốc tế không hay Việt Nam tự cho mình quyền tự làm khác.
Ban tổ chức các giải bóng đá như V-League đã tốt chưa? Còn hiện tượng nhường điểm, chia điểm không? Còn chuyện đội này “vỗ vai” đội kia không? Bạo lực sân cỏ tại sao còn tiếp diễn.
Phải chăng là bóng đá trẻ, bóng đá phong trào, hay trọng tâm là bộ máy LĐBĐ Việt Nam, là giải chuyên nghiệp? Chỗ nào làm tốt rồi, chỗ nào còn yếu?.
Phó Thủ tướng tiếp tục truy vấn: “Chúng ta có dám cùng kiên quyết nói không với tiêu cực, chấp nhận có khoảng lặng không, hay lại cứ chiều chuộng, vuốt ve nhau. Tôi nghĩ tại hội nghị này, chúng ta phải làm trên tinh thần như vậy. Anh em ở đây chắc chắn tâm huyết nhiều như tôi, hiểu biết bóng đá chắc chắn nhiều hơn tôi, làm sao chúng ta tập hợp ý kiến, rút ra gì đó có ích cho tương lai”.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chiến lược phát triển bóng đá trước mắt có thể chấp nhận “khoảng lặng”, nhưng phải có lộ trình để tiến lên.
Sau lời phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các đại biểu tham dự hội nghị hầu hết chỉ trả lời chung chung.
Chẳng hạn như Trưởng Ban trọng tài VFF Nguyễn Văn Mùi khẳng định Ban này không bao che, luôn xử lý nặng những sai sót nghiêm trọng, ảnh hưởng đến kết quả trận đấu của các trọng tài.
Theo ông Mùi, việc trọng tài có dính đến tiêu cực cũng xuất phát từ lãnh đạo CLB mà vụ án năm 2005 nhiều trọng tài phải ra tòa, nhiều lãnh đạo CLB liên quan là một ví dụ.
Ông Mùi đề nghị những người làm bóng đá không nên nghi ngờ vì nghi ngờ trọng tài thì không thể làm việc được.
Ngay lập tức, Phó Thủ tướng lên tiếng: “Nếu tôi không uống rượu thì có mời có ép cũng không uống. Quyền nghi ngờ trọng tài là quyền của mọi người. Thế giới áp dụng đủ mọi công nghệ còn nghi ngờ, mình xem còn nóng mặt nếu ủng hộ CLB nào đó. Nhưng sau trận người ta xử lý rất nghiêm, mình có làm được không. Chứ giờ kêu gọi mọi người không nghi ngờ trọng tài thì không ăn thua. Nhiều người nhắn tin điện thoại nhờ tôi có gặp anh Mùi thì nói vậy, liệu có tiêu cực mình có làm được xử lý dứt khoát không ?”…
Đại diện Ban Kỷ luật VFF cũng khẳng định: “Hoàn toàn trong sáng, không dính dáng đến bất kỳ đội bóng nào và 100% vụ việc xử lý là chuẩn xác”.
Trong khi đó, đại diện các đội bóng đều tuyên bố sẽ “tuyên chiến” với tiêu cực, nhưng mong muốn cần có sự chung tay của cả giải đấu, từ các nhà tổ chức tới các địa phương, CLB.
Chốt lại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, bóng đá Việt Nam còn nhiều điều chưa hài lòng nhưng thời gian qua đã có sự tiến bộ. “Chúng ta không nên vì bức xúc một vấn đề hay không nên vì một điểm nhấn nào đấy mà quên đi bức tranh chung. Chúng ta là quốc gia đang phát triển nên còn phải nỗ lực nhiều. Nhưng chúng ta cần phải nhìn nhận rằng, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng bóng đá lớn với lợi thế dân số đông và yêu bóng đá”- Phó Thủ tướng khẳng định.