Sau khi Báo Đại Đoàn Kết đăng bài viết “Thừa Thiên - Huế: Gỗ lớn trong rừng phòng hộ bị đốn hạ”, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh này cho biết, đã nắm được thông tin và chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra.
Ngày 19/7, Báo Đại Đoàn Kết đã đăng tải bài viết phản ánh sự việc nhiều cây gỗ lớn trong rừng phòng hộ thuộc Đồi 334 (xã Bình Tiến, thị xã Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị đốn hạ.
Phản hồi về sự việc, ông Lê Ngọc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi nắm và xác minh thông tin về việc nhiều cây lớn tại khoảnh 1, 4 thuộc Tiểu khu 13 bị chặt phá, đơn vị đã chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hương họp kiểm điểm.
“Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hương đã tiến hành họp rồi, tôi đang chờ báo cáo của đơn vị”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, ông Tuấn thông tin, việc phản ánh của người dân, của cơ quan báo chí về thực trạng quản lý rừng trên địa bàn là kênh thông tin quan trọng giúp đơn vị nắm bắt kịp thời những tồn tại và nâng cao chất lượng công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã nắm được thông tin và chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra.
Như đã đưa tin, thời gian gần đây, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết nhận được phản ánh của người dân xã Bình Tiến (xã Hồng Tiến cũ, nay đã được sáp nhập với xã Bình Điền) về tình trạng chặt phá lâm sản trái phép tại khu vực rừng phòng hộ thuộc Đồi 334 (đồi có độ cao 334 m so với mực nước biển).
Nắm được thông tin, những ngày cuối tháng 6/2022, chúng tôi tiếp cận hiện trường. Ghi nhận tại hiện trường đã có hàng chục cây gỗ các loại bị cưa hạ.
Sau khi ghi nhận thực tế, phóng viên đã chuyển thông tin và vị trí ghi nhận từ ứng dụng maps này đến cơ quan chức năng.
Chỉ ít ngày sau đó, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà và Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Hương làm việc về việc rừng tự nhiên bị khai thác trái pháp luật tại khoảnh 1, 4 thuộc Tiểu khu 137 thì phát hiện 5 cây gỗ đã bị cưa hạ chỉ còn lại gốc cây tại hiện trường, chủng loại gỗ là Lèo heo, Vạng trứng (tên địa phương là Bạng), đường kính gốc từ 30 - 50 cm.
“Toàn bộ số gỗ trên bị cắt khúc, xẻ hộp bằng cưa xích và lấy đi một phần thân cây dưới có giá trị, để lại hiện trường nhiều bìa bắp, mùn cưa, cành ngọn, dấu vết tại hiện trường đã cũ”, dẫn báo cáo của Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà về việc rừng tự nhiên bị khai thác trái pháp luật tại khoảnh 1, 4 thuộc Tiểu khu 137.
Đồng thời, Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà cũng cho biết, khu vực trên có diện tích khoảng 25 ha, nằm xen kẽ giữa diện tích rừng do Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa quản lý. Và, thời gian qua, tại khu vực này, Công ty TNHH NN MTV Lâm nghiệp Nam Hòa tiến hành khai thác, tỉa thưa và trồng bổ sung nâng cấp rừng trồng JBIC nên người dân đã lợi dụng vào khai thác.