Những biện pháp nào có thể được thực hiện để ngăn chặn sự nguy hiểm của các loại vũ khí hiện đại khi chúng có thể rơi vào tay Taliban hoặc các tổ chức khủng bố khác nhau?
Taliban đã tìm thấy kho vũ khí khổng lồ của Mỹ bỏ lại Afghanistan, gây ra lo ngại rằng Afghanistan giờ đây sẽ biến thành “tổ ong bắp cày” nếu những vũ khí này bắt đầu được lưu hành giữa các phần tử thánh chiến và khủng bố. Những biện pháp nào có thể được thực hiện để ngăn chặn sự nguy hiểm của các loại vũ khí hiện đại?
Theo Reuter, mặc dù không rõ chính xác có bao nhiêu vũ khí đã rơi vào tay quân nổi dậy Taliban, nhưng đánh giá tình báo hiện tại cho thấy, kho vũ khí của Taliban hiện bao gồm ít nhất 2.000 xe bọc thép, lên đến 40 máy bay, được cho là bao gồm cả UH-60 Black Hawks.
Nhìn chung, Washington đã chi khoảng 83 tỷ USD cho việc đào tạo và trang bị cho các lực lượng chính phủ Afghanistan, theo The Hill. Trong tổng số tiền này, Mỹ đã trao cho Kabul khoảng 28 tỷ USD vũ khí từ năm 2002 đến 2017. Mọi thứ chưa bị phá hủy được cho là đã rơi vào tay Taliban.
Vũ khí Mỹ nằm trong tay những kẻ khủng bố?
Vào ngày 18/8, một nhóm gồm 25 Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã gửi một lá thư cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, yêu cầu giải trình đầy đủ các thiết bị quân sự của mỹ bị bỏ lại ở Afghanistan, sau khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan thừa nhận một ngày trước đó rằng, Taliban đã sở hữu được "một lượng vũ khí lớn của Mỹ”. Các nhà lập pháp Mỹ bày tỏ lo ngại rằng, vũ khí do Mỹ sản xuất giờ đây có thể được sử dụng để ngăn chặn sự phản kháng của quân giải phóng Afghanistan và thậm chí sẽ rơi vào tay của Al-Qaeda và Daesh.
Ông Abdullah Khan, Giám đốc Viện Nghiên cứu Xung đột và An ninh Pakistan cho biết: “Chúng ta cần hiểu rằng, vũ khí của cả một lực lượng quân đội gồm ba trăm nghìn người đang bị Taliban thu giữ. "Rất có thể một số vũ khí đã rơi vào tay các tổ chức khủng bố khác nhau”.
Hơn nữa, các thiết bị quân sự của Mỹ cũng đã có thể dễ dàng tìm thấy tại các chợ đen ở Pakistan và Afghanistan, ông Khan lưu ý. Tuy nhiên, ông tin rằng, Taliban sẽ nỗ lực để thu thập những vũ khí này và giữ chúng cho riêng mình.
Ông Fakhar Kakakhel, một nhà phân tích độc lập chuyên về quân sự ở Afghanistan và Pakistan, chia sẻ kinh nghiệm, Taliban đã bắt đầu thu thập và lập hồ sơ về số vũ khí bị tịch thu. Việc một số vũ khí được tìm thấy ở các chợ đen chỉ có thể là "những cá thể riêng lẻ" và không phải hành động của tập thể.
Còn theo bà Weeda Mehran, một giảng viên về xung đột, an ninh và phát triển tại Đại học Exeter của Anh, tình hình rất phức tạp, bởi ngày 15/8, theo báo cáo của Axios, 5.000 đến 7.000 tù nhân của nhà tù Pul-e-Charkhi, nằm ở phía Đông Kabul, bao gồm cả thành viên của Al Qaeda và Taliban, đều đã được giải phóng bởi lực lượng Taliban. Một số cựu tù nhân này cũng đến từ các tổ chức khủng bố địa phương như Tehrik-i- Taliban của Pakistan (TTP).
Bà Mehran cảnh báo: “Nếu Taliban không bảo vệ những vũ khí thu được và để nó rơi vào tay các tổ chức khác nắm giữ, thì đó sẽ là một điều rắc rối”.
Taliban tìm kiếm sự công nhận của quốc tế
Tiến sĩ Michele Groppi, một giảng viên giảng dạy về Những thách thức đối với trật tự quốc tế tại Khoa Nghiên cứu Quốc phòng, Đại học King, London, cho biết, câu hỏi có thể được đặt ra lúc này là khả năng Taliban ngăn chặn phổ biến vũ khí là bao nhiêu?. Trên thực tế, quân nổi dậy Taliban rất quan tâm đến việc bảo vệ đất nước khỏi các tổ chức khủng bố bởi họ đang cố gắng để được quốc tế công nhận.
Ông Groppi lập luận: “Mỹ đã không rời đi một cách vô điều kiện như một số người nghĩ". Đã có những thỏa thuận với Taliban. Tại cuộc đàm phán Doha ở Qatar, thỏa thuận hay một phần của thỏa thuận là Taliban sẽ không chứa chấp bất kỳ tổ chức khủng bố nào. Vì vậy, mạng lưới Haqqani, một tổ chức tế bào của Talian, không nhất thiết phải hành động theo cách hiếu chiến. Còn Daesh và Al-Qaeda, trên lý thuyết và ít nhất là trên giấy tờ đều không được hoan nghênh.
Ông Groppi tin rằng, sự hợp tác của Taliban với Daesh, Al-Qaeda hoặc các nhóm khủng bố khác có thể đánh dấu dấu chấm hết cho kế hoạch thành lập một nhà nước mới của họ. Ông Groppi cũng không loại trừ rkhả năng, Taliban thực sự có thể sử dụng vũ khí mới thu được để chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố Daesh.
"Tôi khá chắc chắn rằng Mỹ và ngay cả các thành viên của lực lượng Afghanistan trước đây đều tin rằng, Taliban đang sử dụng những vũ khí họ thu được để chống lại Daesh”.
Trong khi đó, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng Taliban sẽ không sử dụng những vũ khí này chống lại dân thường Afghanistan và các nhóm đối lập, nhà quan sát chỉ ra.
Mỹ sẽ làm gì để giải giáp vũ khí ở Afghanistan?
Theo Reuters, trong khi chính phủ Mỹ đang cố gắng thống kê lại tất cả các vũ khí còn lại, thì Tổng thống Joe Biden được cho là đang cân nhắc về các cuộc không kích để phá hủy kho vũ khí bị bỏ lại ở Afghanistan. Đến nay, kế hoạch này vẫn bị bác bỏ vì lo ngại nó sẽ sinh ra một cuộc chiến khác trong khi quá trình sơ tán người dân Afghanistan và nhân viên ngoại giao nước ngoài vẫn chưa hoàn thành.
"Tôi không chắc, nhưng điều này sẽ khiến chiến tranh leo thang một lần nữa", nhà phân tích Fakhar Kakakhel cảnh báo. "Nếu Mỹ ném bom, họ sẽ tạo ra nhiều phần tử cực đoan hơn. Tôi không chắc liệu Mỹ có làm vậy hay không, nhưng nếu họ làm vậy, điều này không chỉ hạn chế vũ khí mà còn tạo ra một phe cực đoan khác và sinh ra một cuộc chiến khác".
Theo ông Kakahel, tình huống đáng buồn này sẽ không bao giờ xảy ra nếu Mỹ đứng ra nhận trách nhiệm và ngăn chặn các kho vũ khí của quân đội Afghanistan bị cướp phá. Ông lập luận rằng, việc Washington có ở lại để dàn xếp và giải giáp vũ khí của cả hai bên tham chiến hay không là tùy thuộc vào chính họ.
"Lựa chọn duy nhất còn lại lúc này là nỗ lực tập thể của các nước láng giềng. Cần phải có một diễn đàn chung để đề ra chiến lược cho Afghanistan sau khi Mỹ và NATO rút quân, với trọng tâm chính là một Afghanistan không còn vũ khí trang bị", ông Kakahel gợi ý.
Trong khi đó, bà Weeda Mehran lưu ý, cần phải có áp lực quốc tế đối với Taliban, đặc biệt là từ phía Mỹ.
Còn ông Abdullah Khan thì tin tưởng, trong hoàn cảnh này, điều quan trọng là Taliban phải thành lập một chính phủ hợp pháp càng sớm càng tốt để tránh các tác nhân bên ngoài sử dụng vũ lực và giải quyết vấn đề thông qua đàm phán. Ông Khan cũng lưu ý: “Chính phủ mới ở Afghanistan sẽ là chủ sở hữu hợp pháp của những thiết bị quân sự này”.