Giao thông

Sợ vi phạm nồng độ cồn 'dân nhậu' thay đổi thói quen sau khi sử dụng rượu bia

Lê Khánh 08/01/2024 19:26

Thời gian qua, việc lực lượng chức năng toàn quốc kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn khiến "dân nhậu" hình thành thói quen di chuyển bằng phương tiện công cộng sau mỗi cuộc vui.

Dần thay đổi thói quen

Theo thống kê, trong năm 2023, Công an cả nước xử lý hơn 3,4 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 6.500 tỉ đồng, tước hơn 664.000 giấy phép lái xe, tạm giữ hơn một triệu phương tiện.

Trong đó, xử lý vi phạm về nồng cồn cao kỷ lục, hơn 770.000 trường hợp, tăng hơn 460.000 so với năm 2022. Nhờ sự quyết liệt xử lý, tai nạn giao thông đã giảm 9%, giảm 26% người chết và bị thương so với năm 2022.

Nhờ sự kiên quyết của lực lượng chức năng, những ngày cuối năm, các quán nhậu của Thủ đô luôn đông đúc tấp nập người gặp gỡ giao lưu... Song, có một điều mới mẻ, nhiều "dân nhậu" đã uống rượu bia đa phần chọn đi lại bằng taxi, bằng xe buýt, xe ôm… về nhà.

z5051989328327_4c408e78cd4aed7f85e7ff64d2ffd1fa(1).jpg
Nhiều người thay đổi thói quen sau khi uống rượu bia bắt taxi về nhà.

Anh Nguyễn Văn Tuấn (Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, anh thường xuyên tiếp khách, hay phải sử dụng bia rượu. Do đó, khi lực lượng chức năng ra quân xử phạt vi phạm nồng độ cồn, anh rất hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân.

"Hôm nào có lịch tiếp khách, tôi thường bắt taxi để về nhà, tránh vi phạm pháp luật", anh Tuấn chia sẻ.

Trước đó, người đàn ông này từng bị lực lực lượng chức năng xử phạt gần 20 triệu đồng và tước bằng lái xe 12 tháng vì vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Sau lần đó, anh Tuấn chuyển sang đi phương tiện công cộng.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Sơn (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng chia sẻ, thông thường nếu có lịch phải đi tiếp khách từ trước, anh sẽ chủ động di chuyển bằng xe taxi đến quán. Còn nếu phải "nhậu đột xuất" anh Sơn gửi xe lại và hoặc thuê lái xe tới đưa về nhà.

"Việc sử dụng phương tiện công cộng sau mỗi cuộc nhậu khá bất tiện. Tuy nhiên, sau khi đã sử dụng rượu bia mình sẵn sàng bỏ ra vài trăm nghìn đi taxi hoặc thuê tài xế đến đưa về hơn là việc tự lái xe rồi bị xử phạt vài chục triệu và thu bằng lái xe", anh Sơn nói.

Vui, buồn... đều sử dụng rượu bia

Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Hướng dẫn tuyên truyền Điều tra giải quyết tai nạn giao thông Cục CSGT (Bộ Công an) chia sẻ, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an, từ đầu năm 2023, lực lượng CSGT đã kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn để tạo cho người tham gia giao thông có thói quen, đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện, đây là mục đích cao nhất.

Theo Đại tá Nhật, hầu hết các vụ tai nạn giao thông đều do rượu bia gây ra. Khi sử dụng rượu bia, người điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, không làm chủ được tốc độ, không đi đúng làn đường phần đường theo quy định, bất tuân các quy tắc giao thông… dẫn đến gây tai nạn giao thông.

w_z5028916852744_96be1234e007b9f71bafbee4543eea48(1).jpg
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn dịp Tết.

"Người dân hay có thói quen là vui, buồn hay trong các ngày lễ, Tết… cũng đều sử dụng rượu bia.

Một thói quen khác họ thường đi phương tiện cá nhân đến địa điểm nhậu sau đó tự mình điều khiển phương tiện về nhà hoặc đi công việc. Thói quen đó dẫn đến nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn", ông Nhật cho hay.

Ông Nhật cũng cho hay, thời gian qua, tỷ lệ người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe đã giảm rất nhanh, nhưng lực lượng CSGT vẫn duy trì việc tuần tra, kiểm soát cả trong Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, mùa lễ hội.

Từ kinh nghiệm xử lý vi phạm nồng độ cồn các năm trước, ông Nhật cho biết, lực lượng CSGT trong năm 2024 sẽ xử lý kiên quyết, các trường hợp vi phạm theo tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ và không ngày nghỉ".

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sợ vi phạm nồng độ cồn 'dân nhậu' thay đổi thói quen sau khi sử dụng rượu bia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO