Trường Sơn những ngày tháng Tư trời xanh ngắt. Những cung đường quanh co, chạy dài theo triền núi là huyết mạch giao thông quan trọng trong thời chiến, ngày nay trở thành động lực phát triển kinh tế, du lịch của các địa phương.
Hành trình ký ức
Cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, đoạn từ tỉnh Quảng Bình qua Quảng Trị, là một phần quan trọng của hệ thống đường Trường Sơn huyền thoại. Con đường này được mở ra trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, trở thành “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt giữa đại ngàn Trường Sơn.
Là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tỉnh Quảng Bình cùng với đặc khu Vĩnh Linh (Quảng Trị) là tuyến đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa và hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam. Nơi đây được xác định là mạch máu giao thông chiến lược chi viện cho cách mạng miền Nam… nơi tập kết lực lượng của các đơn vị ở miền Bắc để sẵn sàng tiến quân vào giải phóng miền Nam.
Trong lần vào thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình (ngày 16/6/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Quảng Bình cùng với Vĩnh Linh ở tuyến đầu miền Bắc, tiếp giáp với miền Nam, mọi việc làm tốt hay xấu của các cô, các chú đều có ảnh hưởng nhất định đến cách mạng miền Nam, đều có ảnh hưởng đến việc bảo vệ miền Bắc. Nếu kẻ địch có hành động liều lĩnh gì thì Quảng Bình, Vĩnh Linh phải đương đầu với chúng trước hết và phải đảm bảo đánh thắng chúng trước hết”.
Để kịp thời chi viện lực lượng vật chất cho chiến trường miền Nam, ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến giao liên vận tải quân sự - đường Trường Sơn do Đoàn 559 thực hiện. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, hệ thống đường Hồ Chí Minh bám sát vào vị thế tự nhiên để luồn lách qua mọi địa hình, tạo thành mạng lưới đa dạng.
Vận tải đường bộ có 1 tuyến đường dọc và 4 tuyến đường ngang. Trong đó, tuyến đường dọc là đường 15A (chạy song song với Quốc lộ 1A qua địa phận Quảng Bình) từ Tân Đức (Tuyên Hóa) đến Khe Gát (Xuân Trạch, Bố Trạch). Tại đây, tuyến đường Hồ Chí Minh được chia thành 2 nhánh. Nhánh phía Tây từ Khe Gát đến dốc Dân Chủ (Làng Ho, Lệ Thủy) và chạy dài tới Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị).
Xuất phát từ Km số 0 ở ngã ba Khe Gát (xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), chúng tôi men theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Đây từng là tuyến vận tải quân sự quan trọng, là nơi ghi dấu bao chiến công của Bộ đội Trường Sơn và lực lượng dân công hỏa tuyến.
Bà Trần Thị Ngọc (trú tại xã Đức Ninh, TP Đồng Hới) - một cựu chiến binh Trường Sơn đang trở “về nguồn” cho biết, hồi đó, bom đạn dội xuống suốt ngày đêm. “Anh em chúng tôi nhiều người đã mất để mạch giao thông được nối liền. Để rồi ngày hôm nay, mỗi mét đường, mỗi cây cầu, mỗi di tích còn sót lại đều mang trong mình câu chuyện của lòng yêu nước và sự hy sinh cao cả” - bà Ngọc nhớ lại.
Theo bà Ngọc, cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được mở ra trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Mặc dù địa hình hiểm trở, rừng rậm che phủ và thời tiết khắc nghiệt nhưng không thể cản bước những đoàn quân, chiến sĩ, thanh niên xung phong ngày đêm bám trụ vận chuyển tập kết lương thực, vũ khí phục vụ chiến trường miền Nam.
Dọc theo cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, những di tích như Cầu treo Bến Tắt, đỉnh U Bò, đèo Sa Mù, thác Tà Puồng, thung lũng Xa Ry, sân bay Tà Cơn, đỉnh Cu Vơ… vẫn còn đó, minh chứng cho một thời kỳ khốc liệt nhưng cũng đầy hào hùng. Những câu chuyện về những đoàn xe chở lương thực, đạn dược vượt đèo, những người lính Trường Sơn băng rừng mở đường vang vọng giữa núi rừng.
Hồi sinh những bản làng
Sau ngày đất nước thống nhất, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây không còn là con đường chiến lược quân sự mà dần trở thành động lực phát triển cho những bản làng dọc cung đường huyền thoại này. Những vùng đất trước đây chìm trong bom đạn nay đã hồi sinh với những nếp nhà mới, những cánh đồng xanh ngút ngàn và cuộc sống ngày một sung túc hơn.
Nằm ngay cạnh đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, bản Rum Ho (xã Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình) là nơi sinh sống của 109 hộ dân người đồng bào dân tộc Bru - Vân Kiều. Ông Hồ Đua - Trưởng bản Rum Ho tâm sự, vươn lên từ cái nghèo, cái khó, bản làng nay đã có nhiều đổi thay. Cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa ở bản được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và sự giúp đỡ của Mặt trận Tổ quốc, nhiều ngôi nhà đã được xây mới, kiên cố…
Những địa phương vùng miền núi của tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị như Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Hướng Hóa, Đakrông giờ đây đã có điện, đường, trường, trạm khang trang. Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô từng bám trụ nơi rừng sâu nay đã có cuộc sống ổn định hơn nhờ các chương trình mục tiêu quốc gia, giúp bà con thoát nghèo và vươn lên làm giàu, đời sống ngày một nâng lên, cơ sở hạ tầng ngày một hoàn thiện.
Xa xa, những nương cà phê, rẫy sắn, cây chuối đến những hợp tác xã chế biến nông sản, tất cả tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất một thời nghèo khó. Con đường năm xưa vận chuyển lương thực cho chiến trường, nay đang mang đến những đổi thay cho cuộc sống người dân.
Cung đường trải nghiệm du lịch
Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử và phát triển kinh tế, cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây giờ đây còn là đường trải nghiệm du lịch hấp dẫn. Với tổng chiều dài khoảng 250km, cung đường này nối thị trấn Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) với Phong Nha (tỉnh Quảng Bình) đã trở thành điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá thiên nhiên.
Những địa danh như đỉnh U Bò, thác Dương Cầm, cầu Khỉ, đèo Sa Mù, thác Tà Puồng, thung lũng Xa Ry, sân bay Tà Cơn, đỉnh Cu Vơ… không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn là điểm check-in độc đáo của người đam mê phượt. Các hoạt động du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa bản địa với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô cũng ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Công ty Du lịch Netin chia sẻ, phía Tây của hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị không chỉ nổi bật với vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà còn hấp dẫn du khách bởi các giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, cùng các hoạt động du lịch trải nghiệm hấp dẫn. Đặc biệt, một trong những điểm nhấn lớn của cung đường Hồ Chí Minh nhánh Tây được xếp vào tốp những cung đường phượt bằng mô tô tuyệt đẹp lôi cuốn du khách.
Tuyến đường huyền thoại năm xưa giờ đây đã khoác lên mình diện mạo mới, vừa lưu giữ những ký ức hào hùng, vừa mở ra những cơ hội phát triển bền vững cho người dân địa phương. Con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây thực sự là “sợi chỉ đỏ” giữa đại ngàn Trường Sơn, nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai của mảnh đất kiên cường này.
Khi nói về đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng khẳng định: “Đường Trường Sơn là con đường của ý chí quyết thắng, của lòng dũng cảm, của khí phách anh hùng. Đường Trường Sơn là một chiến công chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Đó là con đường nối liền Nam - Bắc, thống nhất nước nhà”.