Chính trị

Soi “địa chỉ” còn vướng mắc để tháo gỡ

V.Thắng (ghi) 21/02/2024 08:19

Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt thấp hơn so với yêu cầu mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra (95%). Có nhiều nguyên nhân khiến giải ngân không đạt nhưng cần soi vào từng địa chỉ, từng đơn vị, địa phương xem khó khăn vướng mắc ở đâu, yếu kém ở đâu để khắc phục cái đó. Ví như năng lực quản lý của chủ đầu tư, năng lực nhà thầu, các yếu tố về giải phóng mặt bằng, điều kiện thời tiết, điều kiện địa hình kỹ thuật. Bây giờ cần xem vướng ở cái gì để giải quyết chính vấn đề đó.

anh-bai-duoi.jpeg
Ông Trần Văn Lâm. Nguồn: quochoi.vn

Trong năm 2023 các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong giải ngân vốn đầu tư công nhưng vẫn không thể đạt được kết quả cao hơn. Trong đó có nguyên nhân những vấn đề tồn tại cố hữu như: giải phóng mặt bằng; năng lực nhà thầu; ý thức tinh thần trách nhiệm của chủ đầu tư; sự quyết liệt vẫn còn những sự khác nhau, chênh lệch giữa nơi này, nơi kia, người này với người nọ. Có địa bàn, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhưng khối lượng không phải là lớn. Có đơn vị chuyên đi giải ngân, nhưng có đơn vị thỉnh thoảng có vài công trình nhỏ.

Ngay từ đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt đôn đốc chỉ đạo gỡ khó, gỡ vướng các cơ chế chính sách. Những vấn đề trước đây nói rằng, do thủ tục thì đến nay cơ bản đã đều gỡ được. Nhưng có một số cái còn phụ thuộc vào quy mô. Ví dụ năm 2023 không đạt được kế hoạch đề ra nhưng đây lại là năm có quy mô giải ngân vốn đầu tư công lớn. Cho nên dù chưa đạt được mức như yêu cầu đề ra nhưng đây cũng là sự cố gắng. Sang năm 2024 kế hoạch giải ngân đã được giao rồi, do đó tinh thần chỉ đạo phải quyết liệt ngay từ đầu năm, giao trách nhiệm cụ thể. Theo đó, đối với các đơn vị, chủ đầu tư phải chủ động tích cực, xem vướng ở đâu? khó cái gì? thì phải bảo cáo ngay để tháo gỡ, đồng thời phải đôn đốc triển khai tích cực quyết liệt, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao. Còn đối với cấp trên là các cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản phải tăng cường khâu kiểm tra, giám sát. Những cái nào vướng về cơ chế chính sách thì kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ cho các địa phương, cho các đơn vị để họ có thể triển khai được các nội dung công việc.

“Với đà năm 2023 đã đạt được, tôi tin rằng kết quả của năm 2024 sẽ tốt hơn” - ông Lâm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Soi “địa chỉ” còn vướng mắc để tháo gỡ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO