Đến hẹn lại lên, cứ vào mỗi dịp Trung thu, hàng loạt các chương trình văn hoá, nghệ thuật đặc sắc lại được tổ chức. Với những cách “làm mới” nhiều chương trình không chỉ hấp dẫn các em nhỏ mà còn trở thành điểm đến văn hoá cho đông đảo công chúng.
Đa dạng hoạt động trải nghiệm
Năm nay Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho ra mắt chương trình “Trung thu 2023: Em yêu trung thu - Em yêu khoa học”. Đến với chương trình, công chúng được thưởng thức một “bữa tiệc văn hoá” với những khám phá, trải nghiệm khoa học qua đồ chơi dân gian bằng các trải nghiệm thực và ảo.
Các em nhỏ khi đến với Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ có cơ hội được nghệ nhân dân gian trực tiếp hướng dẫn làm những món đồ chơi đêm Rằm như: đèn ông sao, đèn con thỏ, mặt nạ giấy bồi, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy... Cùng với các hoạt động làm đồ chơi, trẻ em còn có cơ hội chơi một số trò chơi vận động như: nhảy bao bố, ném lon, bịt mắt đánh trống, nhảy dây…
Đặc biệt, tại sự kiện lần này Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam hướng đến một số hoạt động mới áp dụng công nghệ trong việc khám phá văn hóa truyền thống qua không gian thực và ảo.
Thông qua công nghệ, VR tour sẽ giúp công chúng khám phá văn hóa của dân tộc với những trải nghiệm mới đưa du khách đi tìm hiểu ý nghĩa của các đồ chơi dân gian bằng những trò chơi hấp dẫn. Các thông điệp, ý nghĩa gắn với đồ chơi Trung thu được truyền tải đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Công nghệ cũng tạo cơ hội cho du khách tham gia vào hoạt động quét mã QR “Đua tìm kho báu Trung thu” để khám phá những thông tin thú vị trong các không gian trưng bày của Bảo tàng…
Theo Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, TS Bùi Quang Ngọc, Trung thu 2023 được tổ chức với mục tiêu kết hợp giới thiệu, tôn vinh, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống với những hoạt động trải nghiệm khám phá khoa học, công nghệ.
Bảo tàng muốn đem đến cho du khách trẻ tuổi cơ hội học tập, trải nghiệm từ văn hóa dân gian đến hiện đại qua khám phá khoa học, công nghệ đồng thời khuyến khích sự sáng tạo, thông qua các hoạt động trải nghiệm, tương tác thực và ảo.
“Những hoạt động ý nghĩa này góp phần quan trọng để các em thêm hiểu và trân trọng các giá trị của cha ông, từ đó góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xã hội đương đại” - ông Ngọc nói.
Cũng dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội cho ra mắt chương trình “Đèn thu lung linh”, tại Hoàng thành Thăng Long với nhiều hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về văn hoá, lịch sử. Tại chương trình, Trung tâm giới thiệu nhiều loại đèn Trung thu cổ truyền dưới hình thức là các gian hàng trên phố cổ xưa. Dựa trên các nguồn tư liệu quý, Trung tâm đã phối hợp với nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách cùng nghệ nhân các làng nghề chuyên làm đèn Trung thu xưa phục dựng các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán. Bên cạnh đó vẫn là các gian hàng bày đồ chơi Trung thu truyền thống như: Ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, trống ếch, trống bỏi, thỏ đánh trống, tò he... Đặc biệt nhân dịp Tết Trung thu cũng như Festival mùa thu diễn ra tại Hà Nội, chương trình Tour đêm đặc biệt “Đèn thu lung linh” sẽ diễn ra trong 3 tối từ 19 giờ đến 21 giờ các ngày 27, 28 và 29/9.
Ngoài ra, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan, các nghệ nhân, thợ thủ công tổ chức chương trình “Sắc màu Trung thu xưa”. Vào tối ngày 29/9, Sở Văn hoá và Thể Hà Nội sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật “Đêm hội trăng rằm yêu thương”. Theo thông tin từ Thị ủy Sơn Tây, từ 27 đến 29/9 (tức 13 - 15 âm lịch) tại khu vực tuyến phố đi bộ thành cổ Sơn Tây sẽ diễn ra chương trình “Trung thu thành cổ Sơn Tây - xứ Đoài” năm 2023.
Sân chơi bổ ích
Cùng với các điểm đến văn hoá, các sân khấu trong dịp này cũng “sáng đèn” từ ngày 25/9 đến 25/10, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ mang đến cho khán giả 2 chương trình là “Dạ tiệc đêm rằm” và “Đứa con của yêu tinh”. Sân khấu Lệ Ngọc với 2 tác phẩm là “Dế mèn” và “Đám cưới con gái chuột” sẽ công diễn phục vụ khán giả trong các ngày 29,30/9 và 1/11, tại rạp Đại Nam (Hà Nội).
Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã ra mắt chương trình đêm hội trăng rằm “Sắc màu cổ tích”. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp gồm múa lân, sư, rồng cùng hát ca và những thể loại tiết mục đặc sắc như: Xiếc ảo thuật, xiếc thú, xiếc người và những chú hề xiếc, các nhân vật cổ tích sẽ kể chuyện, đố vui và giao lưu, biểu diễn với các bạn nhỏ. Đặc biệt, sân khấu của Rạp Xiếc trung ương sẽ được tái hiện với hình ảnh trên thiên đình và sân đình dưới hạ giới với những nhân vật quen thuộc vào dịp Trung thu như chú Cuội, chị Hằng... Nhằm tăng tính tương tác với khán giả, tại chương trình các bạn nhỏ sẽ được mời lên sân khấu tham gia các trò chơi tìm hiểu về ý nghĩa của Tết Trung thu, “Vô địch thần gió”… với nhiều phần quá ý nghĩa như một lời khích lệ các cháu chăm ngoan và học giỏi.
Theo NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, năm nay, Liên đoàn sẽ tổ chức chương trình Xiếc “Sắc màu cổ tích” với mong muốn tạo sân chơi cho các cháu thiếu niên, nhi đồng vui cùng các nhân vật cổ tích. Đêm hội trăng rằm hứa hẹn sẽ trở thành những ký ức đáng nhớ cho các thiếu niên nhi đồng về một đêm Trung thu cổ tích đầy sắc màu huyền ảo. Bên cạnh đó, tạo thêm không gian, sân chơi bổ ích, thắp nên những ước mơ cho tuổi thơ, nhất là trong bối cảnh không gian vui chơi giải trí cho thiếu nhi ngày càng thu hẹp.