Kinh tế

Sôi động “mùa” tuyển dụng nhân lực

Lê Bảo 26/01/2024 08:18

Tết Nguyên đán đang đến gần, song ở thời điểm này nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục tăng tốc tuyển dụng nhân sự để đáp ứng cho hoạt động kinh doanh bước vào giai đoạn “nước rút”, cũng như bổ sung nguồn lao động cho kế hoạch sản xuất tiếp sau. Những tín hiệu này được kỳ vọng sẽ làm thị trường lao động ấm lên trong năm 2024.

cover1.jpg
Người lao động có cơ hội tìm việc làm trong các ngày hội việc làm của TP Hồ Chí Minh.Ảnh: TTXVN.

Đi làm cả năm trông vào thưởng Tết nhưng ngay từ đầu tháng 1 công ty đã thông báo sẽ không có thưởng cũng như bất kỳ sự hỗ trợ nào, chị Nguyễn Thu Nga - công nhân khu công nghiệp (KCN) Thăng Long, Đông Anh (Hà Nội) quyết định xin nghỉ việc. Tuy nhiên, sau một tuần xin nghỉ việc, chị Nga đã xin được một công việc như mong muốn tại phiên giao dịch việc làm lưu động do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức tại huyện Quốc Oai.

Không thiếu việc cho người lao động

“Hiện cơ bản các doanh nghiệp (DN), công ty đều trả mức lương như nhau chỉ khác chút về phúc lợi xã hội, chính sách thưởng doanh số, doanh thu. Là công nhân, ngoài lương cũng chỉ biết trông cậy thêm vào chính sách hỗ trợ từ công ty nên khi công ty cũ cắt chính sách hỗ trợ, tôi và cùng rất nhiều công nhân quyết định nghỉ việc” - chị Nga cho biết.

Ghi nhận tại các phiên giao dịch việc làm từ sàn việc làm Hà Nội trong tháng 1/2024, các hoạt động tuyển dụng vẫn diễn ra sôi động. Chỉ tiêu tuyển dụng mỗi phiên trung bình khoảng vài nghìn. Riêng các phiên kết nối nhiều địa phương có thể lên đến hàng chục nghìn chỉ tiêu.

Đơn cử, như tại phiên việc làm trực tuyến kết nối 9 tỉnh, thành phố hôm 11/1 đã thu hút 180 DN tham gia tuyển dụng gần 59.000 chỉ tiêu, hay cũng một phiên kết nối 9 địa phương ngày 18/1 có hơn 150 DN tham gia, cần tuyển trên 23.000 lao động, phần lớn là nhóm lao động phổ thông…

Trực tiếp tuyển dụng nhân lực tại phiên việc làm trực tuyến anh Nguyễn Văn Dung - Trưởng Bưu cục Trung Hòa (khu vực Cầu Giấy của Viettet Post Hà Nội) thông tin, đơn vị đang có nhu cầu tuyển dụng 150 nhân viên bưu tá với mức thu nhập từ 13 triệu đồng trở lên.

Tương tự Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng cho biết, thời điểm này công ty đang cần tuyển hàng trăm nhân sự cho nhiều vị trí. Hiện các thông tin tuyển dụng đã được đăng tải công khai tại website của công ty.

Theo đó, công ty đang cần tuyển dụng nhân sự để đào tạo theo dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm Hà Nội, Nhổn - ga Hà Nội, và bố trí làm việc tại tuyến Đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông. Việc đào tạo trước để người lao động tích lũy kinh nghiệm, sẵn sàng vận hành tuyến Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) khi đưa vào vận hành khai thác. Thu nhập tùy theo vị trí việc làm với mức lương từ 7 - 13 triệu đồng/tháng, được tham gia các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và được hỗ trợ tiền ăn ca, trang bị đồng phục, bảo hộ lao động… theo quy định.

Khảo sát gần đây của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật, lao động trình độ cao đẳng - đại học và lao động phổ thông. Các vị trí tuyển dụng phổ biến như quản lý nhà hàng, giám sát kỹ thuật, kinh doanh - marketing, kỹ thuật điện, điện tử, kỹ sư, nhân viên bán hàng - chăm sóc khách hàng, nhân viên giao hàng, lái xe, bảo vệ - tạp vụ…

anh-to.jpg
Dịp này, nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương tăng cường tuyển dụng lao động. Ảnh: Đình Trọng.

Thu nhập: Mối quan tâm hàng đầu của lao động

Theo ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, nhìn chung nhu cầu tuyển dụng đang tăng lên, song với thời điểm này phổ biến nhất vẫn là nhóm thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, du lịch, ăn uống, lưu trú… Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đơn hàng, các DN ngành nghề công nghiệp chế biến - chế tạo cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng nhiều lao động. Ngoài ra, một số nhóm ngành về công nghệ thông tin, thương mại điện tử, xây dựng, tài chính, bảo hiểm vẫn đang có nhu cầu tuyển nhiều nhân sự ở thời điểm này.

Ghi nhận từ các phiên tuyển dụng lao động cho thấy, dù nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng rất nhiều DN phải ra về “tay trắng” vì không tuyển dụng được lao động như mong muốn.

Có mặt tại Phiên giao dịch việc làm tổ chức tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, chị Lê Thị Phương Loan đến từ Phòng Hành chính - Nhân sự Công ty TNHH Sản xuất Minh Quang (KCN Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội) chuyên may mành rèm xuất khẩu sang nhiều nước, cho hay: Công ty có quy mô 700 người lao động nhưng tới đây mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh lên tới 1.000 người. Trước mắt công ty cần gần 100 công nhân may để phục vụ cho sản xuất năm 2024, tuy nhiên theo chị Loan việc tuyển dụng không dễ dàng vì vậy, công ty đã nới độ tuổi tuyển dụng lao động từ 18 - 45 tuổi có kinh nghiệm làm việc. Mức lương của công nhân may từ 7 - 8 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn có hỗ trợ xăng xe.

Nhu cầu tuyển dụng nhân lực tăng cao dịp giáp Tết là tín hiệu tích cực cho thị trường lao động, song nhu cầu lớn nhưng không tuyển đủ lao động trong khi hiện nay số lao động thất nghiệp lớn là câu chuyện đáng phải suy ngẫm. Bên cạnh điều tiết cung - cầu thị trường lao động, nhiều chuyên gia lao động cho rằng, các DN cần phải xem lại cách quản lý cũng như thực hiện các chính sách ưu đãi dành cho người lao động.

Thực tế, từ sau đại dịch Covid-19 đến nay, nhiều DN khó khăn phải giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng lao động và thực hiện các phương án sản xuất phù hợp để giữ việc làm cho người lao động. Song, cũng có những DN cho người lao động nghỉ không lương, chấm dứt hợp đồng lao động, thậm chí cho lao động nghỉ việc để giảm chi phí. Cách làm này của DN chỉ giải quyết khó khăn trước mắt, về lâu dài khi kinh tế phục hồi lại thiếu lao động phục vụ sản xuất. Đây cũng lý do nhiều lao động chấp nhận thất nghiệp trong thời gian ngắn để nghe ngóng tình hình thay vì đi làm ngay sau khi thất nghiệp.

Theo ông Vũ Quang Thành, những tháng đầu năm 2024 thị trường lao động phía Bắc đã ghi nhận tín hiệu tích cực khi liên tiếp có nhu cầu tuyển dụng từ vài chục đến vài trăm chỉ tiêu. Riêng tại Hà Nội, dự kiến tính quý 1/2024, các DN có nhu cầu tuyển dụng khoảng hơn 100.000 lao động. Song nếu DN không có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ lao động rất khó có thể giữ được lao động sau Tết.

Cũng theo ông Thành, hiện nay các chính sách về bảo hiểm xã hội khá đơn giản và thông thoáng vì vậy, rất nhiều người lao động chọn lựa đi làm bán thời gian, thời vụ. Ưu điểm loại hình này là người lao động có mức lương cao hơn và có sự lựa chọn đa dạng về nghề nghiệp, lĩnh vực cho mình. Chính vì vậy, để giữ chân lao động DN cần quan tâm đến chính sách phúc lợi cho người lao động.

Báo cáo mới đây của Navigos Navigos Group cũng cho thấy, trong năm 2024 tiền lương là yếu tố quan trọng nhất đối với người lao động khi tìm kiếm một công việc mới. Có đến 83,4% nhân viên cho biết khi tìm việc làm mới, ưu tiên hàng đầu là tiền lương; 70% trong số họ cho rằng mức lương là yếu tố tác động mạnh nhất đến quyết định nghỉ việc nếu họ không hài lòng với công ty.

Tiếp theo là các yếu tố khác như văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến trong công việc, chế độ thưởng. Đặc biệt, trước những biến động kinh tế khác nhau và thị trường lao động nói riêng, người lao động mong đợi sự ổn định trong kinh doanh, và đánh giá cao sự hỗ trợ tài chính từ người sử dụng lao động với việc được trả lương đúng hạn là mối quan tâm hàng đầu của họ.

anh-theo-box.jpg

Theo ông Đỗ Đức Chí - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Nhân Kiệt, trong năm 2024, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông sẽ còn tiếp tục, đặc biệt vào đầu năm. Hơn nữa, làn sóng đơn hàng trong ngành điện tử có thể tăng vào đầu và cuối năm, từ đó sẽ thu hút lớn lực lượng lao động cho các đơn hàng mang tính chất thời vụ. Dự kiến nhu cầu có thể tăng thêm từ 10 - 20% so với thời điểm bình thường. Trong đó, lĩnh vực sản xuất, liên quan đến điện, điện tử là những ngành tăng tuyển dụng nhiều nhất. Ngoài ra, các ngành khác như may mặc cũng có sự thay đổi, vì thế kéo theo nhu cầu tuyển dụng lao động tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sôi động “mùa” tuyển dụng nhân lực