Câu chuyện về việc chây ỳ, chưa chịu, không chịu trả lại nhà công vụ sau khi hết tiêu chuẩn ở đã từng làm nóng dư luận nhiều năm qua, nay lại tiếp tục nóng, khi mà một số người, trong đó có cả một vị nguyên là Bộ trưởng Tư pháp, vẫn đang phải kêu, phải xin. Hay như ý kiến nào đó là tìm cách né, hoãn? Xung quanh những “sự” này đã dấy nên dư luận nhiều chiều.
Nhà công vụ. (Ảnh minh họa).
Đúng là với lý do “khó khăn về nhà ở” nên nguyên Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường xin hoãn trả nhà ở cho đến tháng 6/2018, hoặc xin mua lại căn hộ nhà công vụ ở tầng 12, khu đô thị mới Yên Hoà (Cầu Giấy- Hà Nội) khiến dư luận rất lấy làm băn khoăn, ái ngại. Lẽ nào có một vị Bộ trưởng từ những năm trước đây vẫn chưa được hưởng tí quyền lợi nào về nhà ở? Để rồi, nay nhà tư của vị Bộ trưởng thì sập xệ, trong tình trạng bị ngập lụt, để rồi ông chưa thể trao trả nhà công vụ được vì quá khó khăn…
Là Bộ trưởng của ngành tư pháp thì đương nhiên ông hiểu rất rõ về pháp luật, rằng đương nhiên khi hết thời gian ở theo tiêu chuẩn thì phải trả, nếu chưa trả, không trả là làm trái quy định. Chả ai dám nghĩ rằng, một vị nguyên đứng đầu Bộ Tư pháp lại vi phạm pháp luật. Và cũng đương nhiên, hơn ai hết, với ông, khi ông kêu, kiến nghị thì những kiến nghị ấy cũng sẽ phải là rất thật, rất đúng, là sự “cực chẳng đã”.
Lời kêu của ông nguyên Bộ trưởng Tư pháp trong lúc dư luận, thực tế các cơ quan chức năng phải đang làm rõ chuyện không ít những ông quan, cán bộ cấp nhỏ hơn, như giám đốc một sở ở tỉnh đang ở trong những căn nhà, dinh thự lớn trên mảnh đất đến hàng chục ngàn mét vuông. Và phải chăng, từ đây, từ tiếng kêu của ông, người ta mới phải thấy, có không ít, hay cũng khá nhiều các vị lãnh đạo cao cấp hãy còn nghèo, còn khổ quá? Bởi lâu nay, hiện nay, không chỉ mình nguyên trưởng ngành tư pháp kêu, và không chỉ riêng ông Bộ trưởng này, mà có khá nhiều vị nguyên là lãnh đạo cao cấp cũng chưa thể giao trả nhà công vụ. Theo thống kê, trước đó, chỉ ở khu nhà công vụ Hoàng Cầu, đã có đến hàng chục trường hợp vi phạm.
Tuy nhiên, người ta cũng rất băn khoăn, liệu phải chăng các vị nguyên lãnh đạo kia đều rất khó khăn, không thể tạo ra được chỗ ở cho mình và gia đình theo kịp với xã hội, hay có không ít vị cố tình chây ỳ để muốn chiếm, muốn mua nhà theo giá rẻ, chỉ vì lòng tham?
Việc trả lại nhà công vụ đã được pháp luật nhất quán quy định từ trước đến nay. Luật Nhà ở 2014 đã quy định rõ việc trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng cho thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ, hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của luật này trong thời hạn không quá 90 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà công vụ.
Quyết định 2544/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu “thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định”. Các địa phương đều đã thực hiện tốt việc này.
Đặc biệt, với Hà Nội, đã coi việc thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng như nằm trong Chương trình thực hiện, chống lãng phí của thành phố năm 2017. Và rồi, với pháp luật thì đương nhiên mọi người đều phải tuân thủ. Nhất là với các vị nguyên bộ trưởng hay cựu chủ tịch thành phố, nhất là người từng đứng đầu ngành tư pháp lẽ ra càng nên phải gương mẫu chấp hành, dù cho ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Cách đây mấy năm, khi bàn về nguyên nhân của tình trạng không chịu trả nhà công vụ đúng theo quy định pháp luật, người ta cho rằng có nhiều nguyên nhân: Lỗi do quản lý, do lòng tham của một số quan chức, cũng có thể có trường hợp khó khăn. Song hầu hết các trường hợp chây ỳ trong việc giao trả nhà công vụ chỉ là xuất phát từ sự thiếu gương mẫu của họ cũng như thiếu quyết liệt của cơ quan chức năng. Nói như ông Lê Văn Cuông, nguyên ĐBQH khoá XI, XII, rằng “lẽ ra, các cán bộ thuộc diện được ở nhà công vụ là những cán bộ, đảng viên ở vị trí cao, đều hiểu biết pháp luật thì phải ý thức được trách nhiệm, gương mẫu thực hiện”. Những cán bộ được ở nhà công vụ, rất nên cần soi lại mình.
Trong thời đại ngày nay, thông tin tràn ngập, với con mắt giám sát của dân, thì mọi việc làm, hành vi cũng như đời sống của các cán bộ đều được người dân nắm rõ. Dù cho ai đó có cố tình kê khai tài sản không trung thực, “nói dối đúng quy trình”, dù có thể cơ quan chức năng chưa chỉ ra được, không chỉ ra được, nhưng với người dân thì các vị khó có thể che giấu nên rất cần soi lại chính mình.