Thực hiện Chương trình làm việc của Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, tại phiên làm việc chiều 17/10, các đại biểu đã tập trung tham gia thảo luận tại 5 tổ để cho ý kiến đối với Văn kiện Đại hội, trong đó tập trung vào Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội.
Tổ số 1 do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà chủ trì; Tổ số 2 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì; Tổ số 3 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì; Tổ số 4 do Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy chủ trì; Tổ số 5 do Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì.
Đẩy mạnh các hoạt động giám sát và phản biện xã hội
Tại Tổ số 2, nêu ý kiến, ông Ngô Sách Thực - Chủ tịch Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện quy định về khuyến khích xã hội hóa, để tổ chức cá nhân tiếp cận được chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng trong công tác chăm sóc người cao tuổi, nhóm đối tượng yếu thế, bảo trợ xã hội. Cùng với đó cần giám sát đánh giá việc thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chăm sóc toàn diện cho trẻ em khuyết tật, các dịch vụ xã hội cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật, trên cơ sở đó hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng nguồn lực xã hội giúp trẻ em khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Để công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức thành viên đạt hiệu quả, chất lượng hơn, theo ông Võ Thanh An - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian tới, cần thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ Mặt trận và các tổ chức thành viên.
“MTTQ các cấp cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời, có cơ chế ưu đãi, thu hút đối với cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác từ các cơ quan, ban ngành, cơ sở sang làm công tác Mặt trận. Bên cạnh đó, cần quan tâm, nâng cao đời sống cho đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận, có chính sách thu hút đội ngũ cán bộ trẻ, giỏi, có năng lực, có trình độ chuyên môn về làm công tác Mặt trận, đặc biệt là trong công tác giám sát và phản biện xã hội” - ông An đề nghị.
Liên quan đến vấn đề trên, tại Tổ số 3, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cũng đề nghị nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội. Lấy ví dụ từ kinh nghiệm thực tiễn của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, ông Đệ đưa ra 2 vấn đề có thể xem là bài học kinh nghiệm bước đầu của Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam trong quá trình tham gia giám sát, phản biện xã hội. Một là, nội dung phản biện, góp ý xây dựng chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn để ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn. Hai là, đề cao trách nhiệm và tính xây dựng trong xây dựng chính sách và phản biện xã hội, kiên trì, bền bỉ, theo dõi, lắng nghe, tập hợp ý kiến của hội viên. Theo đó, phản biện chính sách dễ gây xung đột quyền lợi giữa các bên nên cần phải có phương pháp phù hợp.
Bên cạnh đó, phải luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình tham gia góp ý xây dựng chính sách, luôn có lập trường, bản lĩnh vững vàng, dám nói sự thật, luôn vì sự phát triển, không né tránh, thỏa hiệp, không ngại va chạm, đụng chạm đến dấu hiệu “lợi ích nhóm”, “tham nhũng chính sách”.
Đối với những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí, phải đặt lợi ích của tập thể lên trên hết và trước hết.
Chủ động kiến nghị trước các vấn đề “nóng” của đất nước
Tại Tổ số 5, ông Nguyễn Phú Bình - Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền vận dụng Luật Quốc tịch hiện hành theo hướng mở nhằm giúp cho đồng bào ta ở nước ngoài chưa thôi quốc tịch Việt Nam được cấp quốc tịch Việt Nam, trừ những trường hợp không phù hợp với lợi ích an ninh quốc gia, đồng thời kiến nghị sửa đổi Luật Quốc tịch theo hướng cho phép những người đã thôi quốc tịch Việt Nam được trở lại mang quốc tịch Việt Nam ở những nước đã thay đổi luật cho phép đa quốc tịch, kiến nghị xây dựng lộ trình thực hiện quyền bầu cử và ứng cử cho công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng liên quan đến vấn đề “nóng” của đất nước, tại Tổ số 4, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, hướng tới năm 2030-2045 và xa hơn nữa, Đảng và Nhà nước có nghị quyết đến năm 2045 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển cao. Hiện nay chúng ta đang có hai “siêu dự án” là dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, và dự án chuẩn bị trình Quốc hội dự án đường sắc cao tốc Bắc - Nam.
Ông Thân đề nghị, trong những dự án này, những phần doanh nghiệp tư nhân có thể làm được thì mạnh dạn giao cho doanh nghiệp tư nhân làm, còn những gì nhà nước phải làm thì nhà nước làm.
Ông Thân cho rằng, Mặt trận cần kiến nghị với Đảng, Nhà nước để làm sao những phần tư nhân có thể làm được thì giao cho doanh nghiệp tư nhân. “Nếu giao cho tư nhân làm thì tiết kiệm chắc chắn ít nhất là 30%. Còn nếu giao cho đấu thầu với nước ngoài thì còn tăng hơn rất nhiều, ngay cả giao cho doanh nghiệp nhà nước cũng thế, không bằng giao cho doanh nghiệp tư nhân” - ông Thân nói.
Ông Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội kim hoàn đá quý Việt Nam cũng kiến nghị, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 24 về quản lý vàng. “Nói đến vàng ai cũng giật mình, hôm nay giá vàng lại “tụt đỉnh”. Nguyên nhân có nhiều nhưng có một phần do Nghị định 24 không còn phù hợp nữa. Các quy định đang gây ra khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Do đó cần phải có quy định rõ ràng” - ông Dũng nói.
Trao đổi với các đại biểu, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cũng cho rằng, Nghị định 24 đã có những bất cập. Vấn đề trên, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo nhiều lần. Do đó, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tổng hợp ý kiến và trình ra Đại hội. “Giám sát phản biện xã hội mà làm tốt sẽ càng khẳng định được vị thế của Mặt trận” - Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy khẳng định.
Quán triệt bài học lấy dân làm gốc trong công tác Mặt trận
Tại Tổ số 1, ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) cho biết, nhiệm kỳ 2024-2029 là nhiệm kỳ nhiều biến động. Trong bối cảnh đó, Mặt trận không chỉ thực hiện tốt 5 Chương trình hành động mà đặc biệt là cả các nhiệm vụ phát sinh, chưa từng có tiền lệ.
Theo ông Túc, Dự thảo Báo cáo chính trị cần nhấn mạnh kết quả của việc kêu gọi, ủng hộ phòng chống đại dịch Covid-19 và Đề án xây dựng nhà Đại đoàn kết ở tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Đặc biệt nhấn mạnh hơn nữa vai trò của nhân dân nhất là địa bàn khu dân cư. Dự thảo Báo cáo chính trị cũng cần nêu được hạn chế trong việc nắm bắt tình hình một số lúc một số việc chưa kịp thời; đồng thời phải quán triệt bài học lấy dân làm gốc trong công tác Mặt trận.
Đề xuất giải pháp phát huy trí tuệ của người Việt Nam trong và ngoài nước, góp phần xây dựng đất nước phát triển hùng cường, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng Trường - Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trong nhiệm kỳ tới, làm thế nào để Đại hội phát huy được trí tuệ của toàn dân tộc để đóng góp cho Đảng, xây dựng đường lối để Đại hội Đảng sắp tới thực sự là kim chỉ nam chấn hưng đất nước. Hiện nay, bối cảnh thế giới thay đổi rất nhiều, đặc biệt là tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Dự thảo Báo cáo chính trị phải đánh giá được những cơ hội của đất nước trong bối cảnh hiện nay.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ghi nhận những ý kiến tâm huyết, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà khẳng định Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ tiếp nhận và nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến để tổng hợp, báo cáo Đại hội. Đối với những vấn đề góp ý vào Văn kiện, Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện các văn bản. Đối với những nội dung kiến nghị, đề xuất của đại biểu đối với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Đại hội sẽ tổng hợp và có văn bản kiến nghị đối với các cơ quan liên quan.