Liên quan đến vụ xâm phạm di tích quốc gia Chùa Vàng, việc TP Hà Nội thu hồi Quyết định cấp đất cho cơ sở tôn giáo, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chùa Vàng (Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội) để sau đó cấp lại như thế nào cần được thực hiện khẩn trương.
Chờ xử lý hành vi đập tường chùa
Nguồn cơn sự việc bắt đầu từ sai phạm của một số người trong Tiểu ban quản lý di tích thôn Vàng khi tự ý chặt cây, phá tường chùa Vàng. Vụ việc này đã được Báo Đại Đoàn Kết và nhiều cơ quan báo chí khác phản ánh. Phòng Văn hóa Thông tin huyện Gia lâm, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội cũng đã có các văn bản khẳng định sai phạm này. Từ sự việc này, thay vì xử lý sai phạm thì UBND huyện Gia Lâm lại có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị lên thành phố Hà Nội thu hồi quyết định cấp đất cho cơ sở tôn giáo chùa Vàng. Và ngày 25/11/2021, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 4994/QĐ-UBND với nội dung thu hồi Quyết định số 7331/QĐ-UBND ngày 27/12/2019 của UBND TP. Hà Nội có nội dung cấp đất cho cơ sở tôn giáo, thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng số CU341941 ngày 22/1/2020. Sau khi thu hồi sẽ cắt đi khu vực 2 di tích và làm lại Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng.
Về quá trình xử lý, ngày 31/12/2021, UBND huyện Gia Lâm cũng đã có văn bản gửi UBND xã Cổ Bi yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân trước ngày 20/1/2022.
Ông Nguyễn Huy Long (85 tuổi) - Phó ban quản lý di tích đình chùa Vàng cho biết: “Quan điểm của tôi là làm gì tới khu vực II di tích cũng phải xin phép xã, huyện, thành phố. Còn việc tự ý chặt cây, phá tường là sai”. Còn trao đổi về vấn đề này với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Văn Phước - Chủ tịch UBND xã Cổ Bi nói: “Trước khi các bác lãnh đạo thôn và cũng là thành viên ban quản lý di tích phá tường để mở rộng đường, với mục đích tạo đường thông thoáng, phát triển nông thôn mới và hạn chế tai nạn giao thông thì các bác cũng đã báo cáo ra UBND xã. Lúc đó, xã đã có ý kiến đây là vành đai 2 di tích nên các bác phải chờ xã báo cáo lên cấp có thẩm quyền cho phép mới được làm. Vành đai 2 của di tích này đã được khoanh vùng bảo vệ năm 1995 khi xếp hạng di tích. Do nóng vội nên các bác lãnh đạo thôn Vàng đã cho chặt cây, phá tường. Khi có ý kiến của người dân, xã đã cử cán bộ đến lập biên bản và yêu cầu dừng thi công. Đến nay, hiện trạng vẫn giữ nguyên. Việc họp kiểm điểm đã được tiến hành và xã đang chờ ý kiến chỉ đạo xử lý của UBND huyện”.
Cấp lại đất cho cơ sở tôn giáo
Về nội dung kiểm tra, xác định ranh giới, diện tích đất sử dụng của chùa Vàng để lập hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng theo chỉ đạo của UBND huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch UBND xã Cổ Bi cho biết: “Từ năm 1995 tức là thời điểm xếp hạng di tích quốc gia đình chùa Vàng thì không có một quyết định nào của xã, huyện chuyển đổi đất khu vực II thành đất sân chơi thể thao, đất công, nên đất đó vẫn là đất thuộc di tích”. Ông Nguyễn Văn Phước cho biết hướng giải quyết: “Sắp tới tôi sẽ tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân thôn Vàng. Mời tất cả người dân ra. Và xin ý kiến nhân dân để tạo đồng thuận. Năm 2017, UBND huyện đã cấp riêng Giấy chứng nhận QSD đất cho đình Vàng rồi. Nay thu hồi Giấy chứng nhận QSD đất chùa Vàng rồi xã sẽ xin ý kiến nhân dân nên cấp chung QSD đất cho cả di tích đình chùa Vàng hay cấp riêng. Nếu cấp riêng thì vẫn cấp lại đất cho chùa Vàng thôi”.
Ông Nguyễn Huy Long nói: “Tôi muốn cấp chung Giấy chứng nhận QSD đất cho cả di tích đình chùa Vàng. Nếu cần cứ thu hồi sổ của huyện đã cấp cho đình. Vì đình cũng cần một phần của khu vực II đó khi tổ chức lễ hội”. Còn bà Vũ Thị Chín, bà Đinh Thị Cọ, bà Trần Thị Dung, bà Nguyễn Thị Toan, ông Vũ Văn Sinh thì cho rằng: Đình đã được cấp Giấy chứng nhận QSD đất năm 2017, cho nên phần diện tích còn lại cấp cho chùa Vàng hợp lẽ. Còn về việc sử dụng khu vực II di tích thì năm 2016 tại một hội nghị ông Nguyễn Bá Tạo - Chủ tịch xã lúc đó đã lấy ý kiến nhân dân. Đa số ý kiến đều cho rằng một phần khu vực II sẽ trình cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng thêm hạng mục công trình, phần diện tích còn lại giành để tổ chức lễ hội của đình và chùa.
Đại đức Thích Thanh Tâm - Trụ trì chùa Vàng nói: “Nhà chùa chỉ mong muốn sao giữa chính quyền địa phương, tiểu ban quản lý di tích và mọi người dân đồng thuận, đoàn kết. Đình, chùa là của nhân dân thôn Vàng nên nhà chùa chỉ mong muốn mọi người cân nhắc xử lý công việc sao cho vừa có lợi chung cho tập thể, cộng đồng dân cư vừa đúng pháp luật”. Thượng tọa Thích Chiếu Tuệ - Đại biểu HĐND TP Hà Nội, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương, Trưởng ban Hoằng pháp GHPGVN TP Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học Hà Nội nói: “Chiều 3/3 tới Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có tổ chức cuộc họp mời đại diện xã Cổ Bi, đại diện huyện Gia Lâm, đại diện chùa Vàng, Ban Tôn giáo TP Hà Nội và Thành hội Phật giáo Hà Nội tới làm việc. Nếu tôi đến dự họp, tôi sẽ phát biểu rằng: Đất di tích, đất tôn giáo như thế nào thì phải trả lại đất cho di tích, cho đất tôn giáo. Tất cả đều có trong hồ sơ rồi”.
Về vấn đề đất di tích đình chùa Vàng phải cấp chung hay riêng giấy chứng nhận QSD đất, luật sư Phạm Quốc Bình - Văn phòng luật sư Thiên Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “UBND huyện Gia Lâm không sai khi cấp Giấy chứng nhận QSD đất cho đình Vàng. Theo điều 160 Luật Đất đai hiện hành thì đất có công trình đình là đất tín ngưỡng. Theo điều 159 Luật đất đai thì đất có công trình chùa là đất tôn giáo. Khoản 2 Điều 27 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “Trường hợp di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là một khu vực có nhiều người sử dụng đất, có nhiều loại đất khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng người sử dụng, từng loại đất trong khu vực đó. Người sử dụng đất phải tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh”. Như vậy, việc cấp Giấy chứng nhận QSD đất riêng cho đình và chùa của cơ quan có thẩm quyền làm phù hợp với quy định pháp luật”.