Tại họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra sáng 26/3, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả thông tin về việc sẽ bổ sung quy định về tên gọi của các tác phẩm, nhằm hạn chế những tranh chấp tương tự như trường hợp tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam diễn ra từ năm 2022 cho đến nay.
Từ vụ việc tranh chấp tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam hay mới nhất là vụ mất bản quyền tên gọi cuộc thi Miss Universe Vietnam của Công ty cổ phần Hoàn vũ Sài Gòn (Unicorp) do đấu thầu thất bại. Những ồn ào đi kèm khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại về quy định xoay quanh các cuộc thi thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, kéo theo sau đó là những hệ lụy không đáng có.
Siết chặt cơ chế
Những ồn ào tranh chấp liên quan đến việc sở hữu tên gọi giữa các doanh nghiệp khiến công chúng đặt ra câu hỏi: Liệu rằng các nhãn hiệu của các cuộc thi có được bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng quyền tác giả tại Việt Nam hay không? Thực tế, hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng chưa có quy định cụ thể về phạm trù này, đây cũng là nguồn cơn khiến ồn ào kéo dài chưa tìm được giải pháp gỡ rối.
Tại họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra cuối tuần trước, Phó Cục Trưởng Cục Bản quyền tác giả Phạm Thị Kim Oanh thông tin về việc sẽ bổ sung quy định về tên gọi của các tác phẩm, nhằm hạn chế những tranh chấp tương tự như trường hợp tên gọi cuộc thi Hoa hậu.
Theo quy định tại Điểm A, Khoản 3, Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019: Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ quý I của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Cục Bản quyền tác giả cũng chia sẻ: Tên gọi các tác phẩm mặc dù không phải là một đối tượng độc lập được bảo hộ theo Điều 14, Luật Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, xuất hiện tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc này gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác.
Trong dự thảo nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan đang trình các cấp có thẩm quyền lên Chính phủ để ban hành thực thi luật đã có một điều bổ sung trong quy định về tên gọi của các tác phẩm. Đó là quy định đối với việc đặt tên cho tác phẩm thì không được vi phạm khoản 2 điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.
Theo đại diện Cục Bản quyền tác giả, đây là nội dung được bổ sung cho chặt chẽ trong quy định của pháp luật nhằm hạn chế những tranh chấp tương tự như trường hợp tên gọi cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam vừa qua.
Chờ mong gì từ quy định bổ sung để dẹp "loạn"?
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết trước khi các quy định được ban hành bổ sung, PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự kỳ vọng về những quy định sẽ được bổ sung vào thời gian tới. Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn: “Chúng ta đang ở trong nền kinh tế thị trường, những vấn đề sở hữu trí tuệ, bản quyền đóng vai trò quan trọng và luôn nhận được sự quan tâm từ công chúng.
Chính vì tầm quan trọng của nó nên các sự kiện, sản phẩm văn hóa nghệ thuật khi ra mắt tới công chúng phải bỏ rất nhiều công sức, tài năng. Nuôi dưỡng tài năng, bảo vệ doanh nghiệp văn hóa là tiền đề cho sự phát triển của các cá nhân. Để tạo ra thị trường văn hóa văn minh, lành mạnh”.
“Vấn đề của chúng ta là chưa chú ý bảo vệ bản quyền, để vận hành theo đúng quy định hiện hành, phải đăng ký với các đơn vị có liên quan. Khi đăng ký bản quyền sẽ được bảo vệ quyền lợi, tránh các đơn vị khác lợi dụng sơ hở để tạo ra các sản phẩm “nhái', làm cho sự kiện giảm uy tín. Điều quan trọng là phải có ý thức trong việc bảo vệ bản quyền trong bối cảnh hiện nay, khi vấn đề về sở hữu trí tuệ.
Nghị định sắp tới nếu được ban hành sẽ có tác dụng tốt hơn, quy định chi tiết hơn. Đồng thời, giải quyết được những khúc mắc của công chúng liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, từ đó khẳng định niềm tin của họ đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Liên quan đến những quy định của Nhà nước về việc bảo vệ bản quyền tên gọi của tác phẩm, luật sư tố tụng, Dương Ánh Nga, đoàn luật sư TP HCM thông tin, hiện nay các điều luật bổ sung được quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2022 về cơ bản sẽ giúp quy định rõ hơn về các khái niệm liên quan đến quyền tác giả, đồng tác giả, quy định mở hơn các quyền cho tác giả, tạo thuận lợi và “bật đèn xanh” hơn cho việc tự do trong việc sáng tạo và tự do chuyển nhượng sự sáng tạo của mình.
"Ví dụ như việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác (Điểm mới). Quy định mới này tạo thuận lợi cho các đồng tác giả tự do thực hiện quyền của mình mà không bị cục bộ phải gắn kết với nhau dù cùng tạo ra 1 tác phẩm", luật sư Nga thông tin.
Đứng trên cương vị là một công dân, luật sư Nga đưa ra những đề xuất góp ý để sửa đổi, bổ sung như sau: Các quy định cụ thể hơn về việc đặt tên cho các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, những điều nào bị cấm khi thực hiện việc đặt tên… Đồng thời, rút ngắn thời gian cấp Văn bằng bảo hộ, cụ thể là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Cần rút ngắn Thời gian thẩm định nội dung đơn yêu cầu bảo hộ để tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức nhanh chóng có được giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu để tạo thuận lợi cho công việc liên quan đến nhãn hiệu của họ.
Pháp luật Việt Nam quy định về việc sử dụng tên gọi theo Khoản 1 Điều 19 Luật SHTT 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022:
Điều 20, Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định, quyền đặt tên cho tác phẩm là quyền nhân thân của tác giả. Theo quy định trước đây, chỉ có tác giả mới có, gắn liền với tác giả và quyền này không thể chuyển nhượng. Nhưng theo quy định mới tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005; (Điểm mới).